Tóm tắt kiến thức ngữ văn 8 kết nối bài 3: Thực hành tiếng Việt - Đoạn văn song song và đoạn văn phối hợp
Tổng hợp kiến thức trọng tâm ngữ văn 8 kết nối tri thức bài 3: Thực hành tiếng Việt - Đoạn văn song song và đoạn văn phối hợp. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT ĐOẠN VĂN SONG SONG VÀ ĐOẠN VĂN PHỐI HỢP
I. HỆ THỐNG LẠI KIẾN THỨC
1. Khái niệm
a, Đoạn văn song song:
- Đoạn văn triển khai nội dung song song giữa các câu, không nội dung nào khái quát bao trùm lên nội dung nào.
- Mỗi câu trong đoạn văn đều nêu lên một khía cạnh riêng biệt, không câu nào khái quát câu nào, là một mắt xích quan trọng để làm rõ lên nội dung đoạn văn.
b, Đoạn văn phối hợp:
- Đoạn văn gồm có nhiều nhiều phương pháp như diễn dịch và quy nạp.
- Câu mở đầu đoạn nêu ý khái quát bậc một, các câu tiếp theo triển khai cụ thể ý khái quát.
- Câu kết đoạn là ý khái quát bậc hai mang tính chất nâng cao, mở rộng.
- Những câu triển khai ý được thực hiện bằng các thao tác giải thích, chứng minh, phân tích bình luận, nhận xét, đánh giá hoặc nêu suy nghĩ.. từ đó để xuất nhận định đối với chủ đề, tổng hợp, khẳng định nâng cao vấn đề.
2. Tác dụng
a, Đoạn văn song song:
- Nội dung cả đoạn thống nhất
- Phù hợp với việc trình bày các thông tin khách quan, không hàm chứa sự đánh giá chủ quan của người viết. Kết luận thế nào là do người đọc tự suy nghĩ và rút ra.
b, Đoạn văn phối hợp:
- Cấu trúc rất chặt theo kiểu tổng hợp – phân tích – tổng hợp.
- Kiểu đoạn văn này rất phù hợp với việc khẳng định chắc chắn điều mà người viết cho là chân lí.
II. GỢI Ý TRẢ LỜI BÀI TẬP
Bài tập 1
a. Đoạn này chỉ có hai câu, mỗi câu đề cập đến một nội dung cụ thể, nhưng đều hướng tới một ý chung: các tì tướng hãy học tập Binh thư yếu lược. Đây là đoạn văn song song. Kiểu tổ chức đoạn văn này đòi hỏi người đọc tự suy nghĩ, rút ra câu chủ đề ngầm ẩn thể hiện trong quan hệ về nội dung của các câu.
b. Đoạn văn này có 5 câu. Câu đầu nêu chủ đề (Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng với tô tiên ta ngày trước): mọi người Việt Nam đều có lòng yêu nước nồng nàn. Ba câu tiếp theo nêu hành động yêu nước của các đối tượng cụ thể. Câu cuối rút ra điểm chung của các đối tượng vừa nêu, khẳng định lại lần nữa tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân. Vậy, đây là đoạn văn phối hợp. Đoạn văn được tổ chức như thế này giúp người đọc dễ dàng nhận biết và nắm vững ý chính của đoạn.
Bài tập 2.
Đoạn văn có 3 câu. Câu 1 nói về tên các khúc nhạc mở đầu đêm ca Huế. Câu 2 đề cập đến các ngón nghề ( kỹ xảo chơi đàn) của nhạc công. Câu 3 nói về âm vang, sự lay động của tiếng đàn đối với người nghe. Như vậy đây là đoạn văn song song vì không có câu chủ đề nhưng dựa vào nội dung của các câu, có thể khái quát chủ đề của đoạn: cách mở đầu đêm ca Huế trên sông Hương.
Bài tập 3
a, Đoạn văn song song
Đi bất cứ nơi đâu trên đất nước này, bạn cũng gặp hình ảnh của Người trong cuộc sống cũng như trong tâm hồn của mỗi người dân. Bác đã hiến trọn cuộc đời cho dân tộc. Mấy chục năm gian nan thử thách ở nước ngoài, Bác đã tìm cho dân tộc con đường đi cách mạng để rồi từ đó, nhân dân ta đòi lại được tự do. Hình ảnh Bác đẹp trong lòng của mỗi người dân Việt không phải chỉ vì Bác đã đem đến cho chúng ta cơm áo tự do mà ngay từ trong cách sống, Bác đã là tấm gương cho tất cả mọi người. Bác sống giản dị và giàu tình cảm. Tôi chưa thấy ở nơi đâu, một vị Chủ tịch nước lại giản dị như thế. Người ăn mặc bình dân, Người sống hòa mình. Người bận trăm công ngàn việc mà vẫn dành thì giờ chăm lo từ những cụ già đến các bé nhi đồng nhỏ tuổi. Người sống trọn mình cho dân tộc chẳng vướng bận chút riêng tư.
b, Đoạn văn phối hợp
Truyền thống uống nước nhớ nguồn là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Mỗi người trong chúng ta cần phải giữ gìn, phát huy mạnh mẽ tinh thần đó. Đây là truyền thống thể hiện sự kính trọng của thế hệ đi sau với thế hệ đi trước để tỏ lòng biết ơn của mình với những người có ơn với mình. Hằng năm, cứ mỗi dịp kỉ niệm ngày thương binh liệt sĩ, đảng và nhà nước lại tổ chức các hoạt động thăm viếng mộ liệt sĩ, thăm hỏi gia đình liệt sĩ, tặng quà, tạo điều kiện cho gia đình phát triển. Hiện nay, mọi người trong xã hội đã chú ý hơn đến việc này, không chỉ các cơ quan chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động này mà những đơn vị, tổ chức cá nhân cũng tham gia rất tích cực. Mọi người chung tay nhau, quyên góp, sau đó tổ chức các hoạt động thăm hỏi từng gia đình một, trao quà tặng thưởng. Tuy những món quà đó chưa hẳn đã có nhiều giá trị về vật chất nhưng lại đầy ắp tinh thần của người trao. Đây là các việc làm rất ý nghĩa, cần được mọi người phát huy, giữ gìn để truyền thống uống nước nhớ nguồn mãi là truyền thống quý báu của dân tộc ta, mãi được những dân tộc khác tôn trọng và học hỏi.
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
Bình luận