Tóm tắt kiến thức ngữ văn 11 cánh diều bài 7: Vào chùa gặp lại

Tổng hợp kiến thức trọng tâm ngữ văn 11 cánh diều bài 7: Vào chùa gặp lại. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Tác giả: Minh Chuyên

a. Cuộc đời

  • Tên khai sinh là  Nguyễn Minh Chuyên.
  • Quê: xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
  • Từng giữ chức vụ quan trọng của Hội Nhà Văn Việt Nam.

b. Sự nghiệp sáng tác

  • Đặc điểm sáng tác:
    • Bám sâu vào đề tài chiến tranh, đặc biệt là những hậu hoạ, những bức xúc lớn sau cuộc chiến.
    • Bằng tấm lòng nhân ái, cảm thấm trước nỗi đau, trước sự hy sinh cao cả của đồng đội, những người đã hiến dâng xương máu đời mình cho Tổ quốc, Minh Chuyên gần như đã dành cả quãng dài của đời người cầm bút, bền bỉ và mải miết đi tìm những cảnh ngộ xót đau, bi kịch. Những số phận đầy éo le, oan trái. Những bóng dáng ly kỳ, khủng khiếp của những cuộc chiến đổ xuống đã phá huỷ, tiêu diệt và làm biến dạng bao sinh mệnh phế tàn, đau đớn.

2. Tác phẩm

  • Xuất xứ: in trong tập “Người lang thang không cô đơn”.
  • "Vào chùa gặp lại" là những trang viết về người thật, việc thật: Sư thầy Đàm Thân tên là Lương Thị Thân - một cô gái xinh đẹp quê Thái Bình tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, trở thành một nữ quân y đường dây 559 Trường Sơn và từng bị thương, bị phơi nhiễm chất độc màu da cam. Sau chiến tranh trở về quê hương, cô Thân vào chùa tu hành và làm việc nghĩa vì không muốn để lại gánh nặng và nỗi đau cho gia đình. Văn bản chính là cuộc gặp gỡ giữa tác giả với sư thầy Đàm Thân.
  • Bố cục: 3 phần
    • Phần 1: Từ đầu… “Mà mong đồng đội trầm luân vẹn toàn” => Câu chuyện của Thân hơn 20 năm trước của Thân
    • Phần 2: Tiếp… “xóc thẻ, yểm bùa, đốt mã, gọi hồn” => Những việc làm tốt đời, đẹp đạo của Thân khi xuất gia
    • Phần 3: Còn lại => Cuộc gặp gỡ của Thân và Quân cùng cái kết của mối tình.

II. TÌM HIỂU CHI TIẾT

1. Tình huống truyện

  • Tình huống truyện:
    • Nhân vật “tôi” – một người chiến sĩ từng tham gia chiến đấu trong thời kì chống Mĩ ác liệt có buổi gặp gỡ với người đồng đội xưa.
    • Cuộc gặp gỡ với người nữ quân y trong tình huống bất ngờ. Sau hơn hai mươi năm, nhân vật tôi, một lần nữa gặp lại người y sĩ ngày trước ở chùa Đông Am.
  • Ý nghĩa của tình huống này là: thể hiện sự biết ơn của nhân vật tôi khi vẫn nhớ đến nữ y sĩ được coi là "bồ tát" nhân từ, từ đó cho thấy tấm lòng và nhân cách tốt đẹp của nhân vật “tôi”.

2. Hình tượng nhân vật Đàm Thân

a. Số phận

  • Là nạn nhân của chiến tranh:
    • Bị ba vết thương lớn trong một tai nạn trên đường tiến quân năm 1975: ở đầu, ở gối, ở cột sống với tỉ lệ thương tật 62%, hưởng chế độ bệnh binh 2/4 khi trở về.
    • Nhiễm chất độc màu da cam và vết thương khiến Thân không thể sinh con.
  • Chịu nỗi đau đớn kinh hoàng về tinh thần: Hồng Quân – người yêu của Thân, động lực để Thân vào chiến trường và khao khát được sống cùng anh khi chiến tranh kết thúc đã hi sinh.

=> Đàm Thân là một cô gái tiêu biểu cho cuộc đời, số phận của biết bao cô gái trong chiến tranh. Được sống sót với cô không biết là niềm vui hay nỗi bất hạnh.

b. Phẩm chất

  • Cô là một người chiến sĩ dũng cảm không tiếc mình hi sinh cho nhân dân, đất nước.
    • Vào chiến trường chiến đấu khi tuổi đời còn rất trẻ, đầy khao khát và nhiệt huyết.
    • Trách nhiệm hoàn thành tất cả nhiệm vụ được giao, dù đó là nhiệm vụ khó khăn gian khổ.
  • Cô yêu hết mình và rất chung thủy với người yêu.
    • Quyết định vào chiến trường và hăm hở lao vào phục vụ chiến đấu một phần cũng là vì tình yêu với Quân.
    • Khi nghe tin Quân hi sinh trên đường làm nhiệm vụ, cô đau đớn, bàng hoàng và quyết định sẽ giữ mối tình với Quân và không yêu thêm một ai nữa.
  • Khi không còn tình yêu bên cạnh cô quyết tâm không sống vì bản thân mình nữa mà sống vì đời, giúp đời.
    • Thân xuống tóc, quyết tâm đi tu để cầu nguyện cho ân nhân, cho đồng đội, cho cả người yêu mình.
    • Dù bị gia đình ngăn cấm nhưng Thân vẫn quyết làm.
    • Xuống tóc, Thân đi tu tại chùa, làm việc chăm chỉ, cần mẫn, học hỏi không ngừng.
    • Xốc vác mọi việc giúp đời, giữ chùa trong sạch, không để “tạp giáo”, “bá đạo” len lỏi vào chùa; không lợi dụng của Phật để làm những điều nhảm nhí, mê tín, đồng bóng, xóc thẻ, yểm bùa, đốt mã, gọi hồn,…

c. Thái độ của tác giả

  • Nhân vật tôi luôn coi Đàm Thân như vị "bồ tát" nhân từ.
  • Chi tiết "Nhìn bóng Đàm Thân khuất sau... tôi chợt nhớ lời nhà sư nói về sự linh ứng của kinh Pháp hoa, và cứ mường tượng như thể mình đã nhìn thấy hoa của lòng người."

=> Tác giả đối với nhân vật chính - Đàm Thân là sự tôn trọng và yêu mến.

3. Nghệ thuật viết kí

a. Hiện thực chân thật

  • Ngày 12 tháng 2 năm 1975, máy bay địch bắn phá lên đỉnh dốc Chu Linh.
  • Thân về quê với 62% thương tật, hưởng chế độ thương binh 2/4.
  • Tác hại của chất độc màu da cam tới con người đã từng tham chiến.
  • Những địa danh có thực, cụ thể: Chùa Đông Am, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, động Hương Tích; chùa Đông Chú, Kiến Xương; Giáo hội Phật giáo; núi Bà Đen, bản Tà Keo, chiến trường Lao Bảo, chùa Bình Dương, sự kiện giải phóng Miền Nam…

=> Nhấn mạnh hiện thực khốc liệt của chiến tranh, tội ác của lũ bán nước và cướp nước. Qua đó, thể hiện sự khâm phục, biết ơn với những người đã hi sinh vì tổ quốc.

b. Sự hư cấu

  • Giấc mơ ngày ở chiến trường luôn luôn linh ứng.

=> Một trong những lí do, khiến Thân quyết định xuất gia.

  • Câu chuyện về Hồng Quân thoát chết một cách bất ngờ được kể lại sau thời gian xa cách.

III. TỔNG KẾT

1. Nội dung

Tác phẩm Vào chùa gặp lại kể về cuộc gặp gỡ giữa tác giả Minh Chuyên và sư thầy Đàm Thân về những chuyện của cuộc kháng chiến gian khổ đã để lại và những suy tư trong lòng của nhân vật truyện.

2. Nghệ thuật

  • Ngòi bút tài hoa, cảm nhận tinh tế
  • Ngôn ngữ giàu chất trữ tình cùng nhiều hình ảnh so sánh độc đáo
  • Khắc họa nhân vật chân thực

Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm: Tóm tắt kiến thức văn 11 CD bài 7 Vào chùa gặp lại, kiến thức trọng tâm ngữ văn 11 cánh diều bài 7: Vào chùa gặp lại, Ôn tập văn 11 cánh diều bài Vào chùa gặp lại

Bình luận

Giải bài tập những môn khác