Phiếu bài tập tuần 18 tiếng Việt 5 tập 1
Phiếu bài tập tuần 18 tiếng việt 5. Nội dung của phiếu bài tập nằm gọn trong chương trình học của tuần 18. Nhằm giúp các em củng cố lại kiến thức và ôn tập, rèn luyện kỹ năng giải tiếng việt. Chúc các em học tốt!
TUẦN 18 - ÔN TẬP HỌC KÌ 1
A - Kiểm tra Đọc
I - Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi (5 điểm)
Đọc một trong số các đoạn trích dưới đây trong bài Tập đọc đã học (SGK) và trả lời câu hỏi (TLCH); sau đó tự đánh giá, cho điểm theo hướng dẫn ở Phần 2 (Giải đáp - gợi ý)
(1) Mùa thảo quả (từ Sự sống cứ tiếp tục đến nhấp nháy vui mắt)
TLCH: Khi thảo quả chán, rừng có nững nét gì đẹp?
(2) Hành trình của bầy ong (2 khổ thơ cuối)
TLCH: Hai dòng thơ cuối bài nói gì về công việc của loài ong?
(3) Hạt gạo làng ta (3 khổ thơ đầu)
TLCH: Những điệp từ trong khổ thơ đầu nhằm nhấn mạnh điều gì?
(4) Về ngôi nhà đang xây (3 khổ thơ đầu)
TLCH: Những chi tiết nào vẽ nên hình ảnh một ngôi nhà đang xây?
(5) Thầy thuốc như mẹ hiền (từ Hải Thượng Lãn Ông đến cho thêm gạo, củi)
TLCH: Những chi tiết nào cho thấy lòng nhân ái của Lãn Ông?
II - Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm)
Lòng nhân ái thật sự
Một cơn bão vừa tàn phá thị trấn nhỏ ở gần thành phố của chúng tôi làm nhiều gia đình phải sống trong cảnh khốn khó. Tất cả các tờ báo địa phương đều đăng hình ảnh và những câu chuyện thương tâm về một số gia đình mất mát nhiều nhất. Có một bức ảnh làm tôi xúc động. Một phụ nữ trẻ đứng trước ngôi nhà đổ nát của mình, gương mặt hằn sâu nỗi đau đớn. Đứng cạnh bà là một cậu bé chừng 7 hay 8 tuổi, mắt nhìn xuống. Đứa con gái nhỏ bám chặt quần mẹ, nhìn chằm chặp vào máy ảnh, mắt mở to vẻ bối rối và sợ hãi. Bài báo đi kèm kêu gọi mọi người giúp đỡ những người trong gia đình đó. Tôi nhận thấy đây sẽ là một cơ hội tốt để dạy các con mình giúp đỡ những người kém may mắn hơn.
Tôi đưa tấm ảnh gia đình đó cho các con tôi xem, giải thích nỗi khổ của họ cho hai đứa con trai sinh đôi 7 tuổi và đứa con gái 3 tuổi. Tôi bảo chúng: “Chúng ta có quá nhiều trong khi những người này bây giờ không còn gì cả. Chúng ta hãy chia sẻ với họ những gì mình có.”. Tôi và hai con trai chất vào thùng cứu trợ nào đồ hộp và xà bông, mì gói,… Tôi cũng khuyến khích chúng chọn ra một số đồ chơi mà chúng không chơi nữa. Đứng nhìn hai anh sắp xếp mọi thứ, con gái tôi có vẻ nghĩ ngợi. Tôi nói với con: “Mẹ sẽ giúp con tìm một thứ gì đó cho em bé trong ảnh.”.
Trong lúc hai anh mình đặt những món đồ chơi cũ chúng đã chọn vào thùng, con gái tôi đi vào, tay ôm chặt con búp bê cũ kĩ nhạt màu, tóc rối bù, nhưng là món đồ chơi nó yêu thích nhất. Nó ôm hôn con búp bê lần chót trước khi bỏ vào thùng. Tôi nói: “Con không cần phải cho nó, con thương nó lắm mà.”.
Con gái tôi gật đầu nghiêm trang: “Nó đem lại niềm vui cho con mẹ ạ, có lẽ nó cũng sẽ đem lại niềm vui cho bạn kia.”
Tôi nhìn sững con, chợt nhận ra rằng bất cứ ai cũng có thể đem cho những thứ mình bỏ đi, nhưng lòng nhân ái thật sự là đem cho những gì mình yêu quý nhất.
(Theo báo điện tử - hoathuytinh.com)
Câu 1. Điều gì đã khiến người mẹ trong câu chuyện cảm thấy xúc động?
a- Bức ảnh trên báo đăng hình một gia đình bị bão tàn phá rất thương tâm
b- Cơn bão vừa tàn phá một thị trấn làm nhiều gia đình phải sống khốn khó
c- Bài báo kêu kêu gọi mọi người giúp đỡ những người trong gia đình bị gặp nạn
Câu 2. Người mẹ muốn dạy các con mình điều gì?
a- Biết cho đi những thứ mà mình không cần dùng nữa trong cuộc sống
b- Biết nhận ra mình là người may mắn và giúp đỡ người gặp khó khăn
c- Biết chia sẻ với những con người đã gặp hoàn cảnh không may mắn
Câu 3. Cô bé 3 tuổi đã gửi bạn gái trong bức ảnh cái gì?
a- Rất nhiều đồ hộp, xà bông, mì gói và đồ chơi cũ
b- Con búp bê cũ nhưng là đồ chơi bé yêu thích nhất
c- Con búp bê cũ là đồ chơi bé không thích chơi nữa
Câu 4. Câu nói của cô con gái 3 tuổi làm người mẹ sững người và nhận ra điều gì?
a- Đem cho tất cả những gì mình có mới là lòng nhân ái thực sự
b- Đem cho những thứ mình yêu quý nhất mới là lòng nhân ái thực sự
c- Đem cho bất cứ cái gì của mình cũng thể hiện lòng nhân ái
Câu 5. Dòng nào dưới đây gồm 3 từ đồng nghĩa với từ nhân nghĩa?
a- nhân đức, nhân hậu, thiện chí
b- nhân đức, nhân từ, lương thiện
c- nhân đức, nhân hậu, nhân từ
Câu 6. Dòng nào dưới đây gồm 3 từ trái nghĩa với từ nhân nghĩa?
a- độc ác, hung bạo, bất lương
b- hung bạo, ác nghiệt, bất tử
c- ác nghiệt, hung tàn, dữ dội
Câu 7. Dòng nào dưới đây có từ đồng âm?
a- bàn bạc / bàn cãi
b- bàn chân / bàn công việc
c- bàn tay / bàn học
Câu 8. Dòng nào dưới đây ghi đúng 3 đại từ xưng hô trong 2 câu “Ta băn khoăn tìm cách cứu dân khỏi cảnh hạn hán. Con có thể cùng thầy bàn mưu cứu trăm họ được không?
a- ta, dân, thầy
b- con, thầy, họ
c- ta, con, thầy
Câu 9. Câu “Tất cả các tờ báo địa phương đều đăng hình ảnh và những câu chuyện thương tâm về một số gia đình mất mát nhiều nhất.” thuộc kiểu câu nào em đã học?
a- Ai làm gì?
b- Ai thế nào?
c- Ai là gì?
Câu 10. Bộ phận chủ ngữ trong câu “Nó ôm hôn con búp bê lần chót trước khi bỏ vào thùng.” Là từ ngữ nào?
a- Nó
b- Nó ôm hôn
c- Nó ôm hôn con búp bê lần chót
B . Kiểm tra Viết
I – Chính tả nghe – viết (5 điểm)
Mùa xuân
Lá cứ lặng lẽ rụng. Chim cứ lặng lẽ chuyền cành. Các giống hoa cứ lặng lẽ đơm nụ. Thời gian thầm thì gọi mùa xuân đến, không vội vàng mà chắc chắn.
Bỗng một buổi sớm, tiếng chích chòe vang lên lảnh lót, hương hoa bưởi lan tỏa khắp vườn. Những chú ong mật tíu tít bay đến những chùm hoa chúm chím. Cây đào lốm đốm những nụ phớt hồng. Mùa xuân đã đến rồi đấy, thật bất ngờ như đã được mong đợi từ lâu.
(Theo Vũ Nam)
Chú ý: HS nhờ người khác đọc từng câu để viết bài chính tả trên giấy kẻ ô li.
II – Tập làm văn (5 điểm)
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 15 câu) tả một người thân của em.
(Chú ý: HS viết bài tập làm văn vào giấy kẻ ô li)
Bình luận