Lý thuyết trọng tâm Lịch sử 12 Cánh diều bài 9: Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay. Một số bài học lịch sử của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Lịch sử 12 cánh diều bài 9: Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay. Một số bài học lịch sử của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

BÀI 9: ĐẤU TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC TỪ 4/1975 ĐẾN NAY. MỘT SỐ BÀI HỌC LỊCH SỬ CỦA CÁC CUỘC KHÁNG CHIẾN BẢO VỆ TỔ QUỐC TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY 

I. Mục tiêu bài học

- Trình bày được những nét khái quát về bối cảnh lịch sử, diễn biến chinh của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc (từ sau tháng 4-1975 đến những năm 80 của thế kỉ XX), cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông từ sau tháng 4-1975 đến nay.

- Nêu được ý nghĩa lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975 đến nay.

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975 đến nay.

- Nêu được những bài học cơ bản của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay và phân tích được giá trị thực tiễn của những bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay.

- Trân trọng những bài học kinh nghiệm trong lịch sử và sẵn sàng góp phần tham gia bảo vệ Tổ quốc khi Tổ quốc cần.

II. Bài học

1. Bối cảnh lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc từ 4/1975 đến nay

Sau chiến thắng chống Mỹ, Việt Nam phải bảo vệ biên giới và chủ quyền Biển Đông. Dù xu thế hoà hoãn Đông - Tây tiếp tục, quan hệ các nước lớn phức tạp. Trong nước, kinh tế - xã hội gặp khó khăn và quan hệ với Trung Quốc, Campuchia bất ổn.

2.Diễn biến chính của các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975

a) Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1975 - 1979)

Sau khi lên nắm quyền, Pôn Pốt và Khmer Đỏ liên tục khiêu khích và lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Từ năm 1975 đến 1978, chúng tấn công đảo Phú Quốc, Thổ Chu và biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Ngày 22-12-1978, Pôn Pốt huy động 19 sư đoàn tấn công Tây Ninh. Quân đội Việt Nam phản công, đánh bật quân Khmer Đỏ và hỗ trợ Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng. Ngày 7-1-1979, Phnôm Pênh được giải phóng.

b) Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989)

Pôn Pốt được một số lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ, gây tổn hại quan hệ Việt-Trung. Ngày 17-2-1979, Trung Quốc điều 32 sư đoàn tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam. Quân dân Việt Nam quyết liệt chống trả. Trước sự phản đối trong nước và quốc tế, Trung Quốc rút quân từ 5-3 đến 18-3-1979. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục xung đột, lấn chiếm tại biên giới Vị Xuyên (Hà Giang) giai đoạn 1984-1989.

c) Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông

Sau Đại thắng Xuân 1975, Việt Nam quản lý toàn bộ lãnh thổ, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam kiên định bảo vệ chủ quyền Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Năm 1977, Việt Nam tuyên bố về lãnh hải và năm 1994 phê chuẩn UNCLOS. Về hành chính, Việt Nam thành lập huyện Hoàng Sa và Trường Sa, triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền. Năm 1988, Trung Quốc chiếm một số đảo ở Trường Sa, Việt Nam kiên quyết đấu tranh. Năm 2012, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, Việt Nam phản đối. Tháng 5-2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng sau đó phải rút đi vào ngày 16-7-2014.

3. Ý nghĩa lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975 đến nay

Thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975 giúp Việt Nam đẩy lùi các thế lực thù địch, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời tạo điều kiện cho xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việt Nam cũng hoàn thành nghĩa vụ quốc tế với Campuchia, góp phần bảo vệ hòa bình và ổn định ở Đông Dương và Đông Nam Á.

4. Một số bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay

a) Phát huy tinh thần yêu nước

Tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam là cội nguồn sức mạnh, đưa đến thắng lợi lịch sử trong các cuộc kháng chiến từ 1945 đến nay, thể hiện qua sự sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, thống nhất, và chủ quyền quốc gia. Khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của mỗi người dân và các tầng lớp trong xã hội sẽ tạo động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

b) Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc

Khối đại đoàn kết dân tộc là nền tảng tạo nên sức mạnh tổng hợp, quyết định thắng lợi trong các cuộc kháng chiến từ 1945 đến nay. Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng và củng cố khối đoàn kết qua các mặt trận như Việt Minh, Liên Việt, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

c) Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là nhân tố quan trọng trong các cuộc kháng chiến từ 1945 đến nay, thể hiện qua việc phát huy nội lực quốc gia và tận dụng sự hỗ trợ quốc tế. Bài học này còn nguyên giá trị trong xây dựng và bảo vệ đất nước, kết hợp nội lực và ngoại lực để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

d) Phát triển, sáng tạo nghệ thuật lãnh đạo và nghệ thuật quân sự

Thắng lợi của các cuộc kháng chiến từ 1945 đến nay gắn liền với nghệ thuật lãnh đạo và quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghệ thuật lãnh đạo thể hiện qua đường lối cách mạng đúng đắn; nghệ thuật quân sự nổi bật với chiến tranh nhân dân, kết hợp du kích và chính quy, và phối hợp ba thứ quân. Việc nắm vững bài học này sẽ hỗ trợ công cuộc xây dựng đất nước và quốc phòng toàn dân.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Lịch sử 12 CD bài 9: Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, kiến thức trọng tâm Lịch sử 12 cánh diều bài 9: Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Ôn tập Lịch sử 12 cánh diều bài 9: Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc

Bình luận

Giải bài tập những môn khác