Lý thuyết trọng tâm Kinh tế pháp luật 12 Cánh diều bài 15: Những vấn đề chung về pháp luật quốc tế

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Kinh tế pháp luật 12 cánh diều bài 15: Những vấn đề chung về pháp luật quốc tế. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo

CHỦ ĐỀ 9: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT QUỐC TẾ

BÀI 15: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHÁP LUẬT QUỐC TẾ

I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT CỦA BÀI HỌC

  • Nêu được khái niệm, vai trò, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế; mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và luật quốc gia.

II. NHỮNG NỘI DUNG CẦN GHI NHỚ TRONG BÀI HỌC

1. Khái niệm, vai trò của pháp luật quốc tế; mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia

a. Khái niệm, vai trò của pháp luật quốc tế

- Pháp luật quốc tế là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật do các quốc gia và chủ thể khác của pháp luật quốc tế thoả thuận xây dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh quan hệ phát sinh giữa các quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của quan hệ quốc tế.

- Pháp luật quốc tế có vai trò quan trọng trong đời sống quốc tế.

+ Pháp luật quốc tế là cơ sở để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Pháp luật quốc tế có các quy định về các biện pháp bảo đảm hoà bình và an ninh quốc tế như cấm chiến tranh, giải quyết tranh chấp, bất đồng quốc tế bằng các biện pháp hoà bình, tạo cơ sở vững chắc cho hoà bình và an ninh quốc tế.

+ Pháp luật quốc tế là cơ sở để xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển giữa các quốc gia trong các lĩnh vực kinh tế – thương mại, khoa học kĩ thuật, công nghệ, văn hoá, giáo dục và bảo vệ môi trường.

+ Pháp luật quốc tế là cơ sở để bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới, chống lại các hành vi vi phạm quyền của mỗi cá nhân, chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc, sắc tộc trên thế giới.

b. Mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia

- Mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia là mối quan hệ biện chứng, hai chiều, tác động và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

- Pháp luật quốc gia ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của pháp luật quốc tế. Trong quá trình xây dựng pháp luật quốc tế, các quốc gia đều cố gắng đưa quan điểm, ý chí của mình vào các quy định của pháp luật quốc tế. Đến nay, nhiều quy phạm của pháp luật quốc tế có nguồn gốc xuất phát từ quan điểm pháp luật quốc gia.

- Pháp luật quốc tế tác động đến sự phát triển và hoàn thiện pháp luật quốc gia. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ các điều ước quốc tế mà mình đã kí kết hoặc tham gia, bằng cách ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cho phù hợp với nội dung của điều ước quốc tế mà mình là thành viên, làm cho pháp luật quốc tế được thực hiện ở quốc gia.

2. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế

Pháp luật quốc tế có bảy nguyên tắc cơ bản:

– Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia được hiểu là các quốc gia được bình đẳng, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong quan hệ quốc tế.

– Nguyên tắc cấm dùng vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế có nội dung cấm chiến tranh xâm lược lãnh thổ quốc gia khác; cấm đe doạ dùng vũ lực đối với quốc gia khác.

– Nguyên tắc hoà bình, giải quyết các tranh chấp quốc tế yêu cầu khi có tranh chấp xảy ra, các quốc gia phải tìm cách giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình.

– Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác có nội dung cấm sử dụng các biện pháp kinh tế, chính trị, quân sự để buộc các quốc gia khác lệ thuộc vào mình.

– Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác đòi hỏi các quốc gia phải hợp tác với nhau và với Liên hợp quốc để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế; hợp tác trong các lĩnh vực để phát triển tiến bộ trên toàn thế giới.

– Nguyên tắc dân tộc tự quyết đòi hỏi các quốc gia tôn trọng quyền của mỗi dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

– Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế yêu cầu các quốc gia phải thực hiện một cách tự nguyện, thiện chí, trung thực và đầy đủ các nghĩa vụ theo điều ước quốc tế mà mình là thành viên.

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Kinh tế pháp luật 12 CD bài 15: Những vấn đề chung về pháp, kiến thức trọng tâm Kinh tế pháp luật 12 cánh diều bài 15: Những vấn đề chung về pháp, Ôn tập Kinh tế pháp luật 12 cánh diều bài 15: Những vấn đề chung về pháp

Bình luận

Giải bài tập những môn khác