Lý thuyết trọng tâm Địa lí 12 Kết nối bài 3: Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Địa lí 12 kết nối tri thức bài 3: Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

BÀI 3. SỰ PHÂN HOÁ ĐA DẠNG CỦA THIÊN NHIÊN

Thiên nhiên Việt Nam nổi bật với tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa nhưng có sự phân hóa khác nhau theo bắc nam, theo đông - tây và theo độ cao, hình thành các miền địa lí tự nhiên khác nhau. Sự phân hóa đó diễn ra như thế nào và có ảnh hưởng gì tới sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta?

I. Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên

1. Thiên nhiên phân hóa theo chiều bắc – nam

- Phần lãnh thổ phía Bắc:

+ Kéo dài từ khu vực phía Bắc cho đến dãy núi Bạch Mã.

+ Có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với một mùa đông lạnh, chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Nhiệt độ có sự biến đổi rõ rệt trong năm, với biên độ nhiệt độ trung bình khá cao.

+ Đặc trưng bởi hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa, ngoài ra còn có các khu rừng cận nhiệt đới.

- Phần lãnh thổ phía Nam:

+ Bắt đầu từ dãy núi Bạch Mã trở vào phía Nam.

+ Khí hậu mang đặc trưng cận xích đạo gió mùa, với nền nhiệt cao, trung bình trên 25°C. Biên độ nhiệt độ trung bình năm thấp, có sự phân chia rõ rệt thành hai mùa mưa và khô.

+ Hệ sinh thái phong phú với rừng cận xích đạo gió mùa, rừng ngập mặn, rừng tràm ở khu vực ven biển và cửa sông của đồng bằng sông Cửu Long.

2. Thiên nhiên phân hóa theo chiều đông – tây

- Vùng biển và thềm lục địa: Khu vực này có lượng ẩm phong phú, chịu ảnh hưởng thường xuyên của các hoạt động hoàn lưu gió mùa và gió Tín phong. Thiên nhiên tại đây mang đặc trưng của vùng biển nhiệt đới ẩm gió mùa, với sự đa dạng và phong phú về sinh vật và tài nguyên.

- Vùng đồng bằng: Hai đồng bằng lớn nhất là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, có thềm lục địa rộng và nông, địa hình thấp và tương đối bằng phẳng, nhưng cũng có nhiều vùng ô trũng. Dải đồng bằng ven biển miền Trung có đặc điểm hẹp ngang, bị chia cắt bởi các dãy núi, với đường bờ biển gập ghềnh, nhiều cồn cát và đầm phá, đất đai kém màu mỡ hơn so với các đồng bằng châu thổ.

- Vùng đồi núi: Thiên nhiên ở khu vực này phân hóa mạnh mẽ theo hướng địa hình của các dãy núi như Hoàng Liên Sơn và Trường Sơn.

3. Thiên nhiên phân hóa theo độ cao

- Theo độ cao, thiên nhiên ở nước ta được phân hoá thành ba đai cao:

- Đai nhiệt đới gió mùa

+ Ở miền Bắc, đai nhiệt đới gió mùa có độ cao trung bình từ khoảng 600 - 700 m trở xuống, ở miền Nam từ khoảng 900 - 1000 m trở xuống.

+ Khí hậu nhiệt đới gió mùa biểu hiện rõ: tổng nhiệt độ hoạt động năm trên 7500°C, mùa hạ nóng (nhiệt độ trung bình tháng trên 25°C), độ ẩm thay đổi tuỳ nơi.

+ Đất có hai nhóm chính là nhóm đất phù sa ở vùng đồng bằng, bao gồm đất phù sa sông, đất phèn, đất mặn, đất cát,... và nhóm đất feralit ở vùng đồi núi thấp, phần lớn là đất feralit đỏ vàng, đất feralit nâu đỏ phát triển trên đá badan, đá vôi.

+ Sinh vật gồm các hệ sinh thái rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh hình thành ở những vùng núi thấp, mưa nhiều, ẩm ướt; các hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa (rừng thường xanh, rừng nửa rụng lá, rừng nhiệt đới khô,...); các hệ sinh thái khác phát triển trên các loại thổ nhưỡng đặc biệt (rừng nhiệt đới thường xanh trên đá vôi, rừng ngập mặn trên đất ngập mặn ven biển,...).

– Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi

+ Ở miền Bắc, đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi bắt đầu từ độ cao khoảng 600 – 700 m đến 2600 m, ở miền Nam từ khoảng 900 - 1000 m đến 2600 m.

+ Khí hậu mát mẻ, tổng nhiệt độ hoạt động năm dao động từ 4 500°C đến 7 500°C, mùa hạ mát (nhiệt độ trung bình tháng dưới 25°C), mưa nhiều (trên 2000 mm), độ ẩm cao.

+ Đất: Do nhiệt độ giảm làm hạn chế quá trình phân huỷ chất hữu cơ nên hình thành các loại đất feralit có mùn (ở độ cao 600 - 700 m đến 1600-1700 m), đất mùn (ở độ cao trên 1600-1700 m).

+ Sinh vật phổ biến là các loài cận nhiệt đới, xen kẽ một số loài nhiệt đới. Trong rừng xuất hiện các loài chim, thú cận nhiệt đới như gấu, sóc,...

- Đai ôn đới gió mùa trên núi

+ Đai ôn đới gió mùa trên núi có độ cao từ 2 600 m trở lên (có ở dây Hoàng Liên Sơn).

+ Khí hậu mang tính chất ôn đới, tổng nhiệt độ hoạt động năm dưới 4500°C, quanh năm nhiệt độ dưới 15°C, mùa đông nhiệt độ xuống dưới 5°C.

+ Đất chủ yếu là đất mùn thô.

+ Thực vật ôn đới chiếm ưu thế như đỗ quyên, lãnh sam, thiết sam với rừng trúc lùn, rừng rêu mưa mù trên núi phát triển.

II. Các miền địa lí tự nhiên

1. Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ

- Phạm vi, ranh giới: Bao gồm vùng núi Đông Bắc và đồng bằng sông Hồng, vùng biển, đảo phía đông.

- Địa hình và đất:

+ Địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, với các dãy núi có hướng vòng cung. Đồng bằng tương đối rộng rãi và có nhiều địa hình các-xtơ. Bờ biển phong phú, đa dạng.

+ Đất đai rất phong phú, bao gồm: đất feralit ở các vùng đồi núi thấp, đất phù sa màu mỡ ở đồng bằng sông Hồng, đất phèn và đất mặn ở các khu vực ven biển

- Khí hậu: Khu vực này có khí hậu đặc trưng với mùa đông lạnh, được xem là điển hình nhất ở Việt Nam.

- Sông ngòi: Các sông lớn như sông Hồng, sông Chảy,... chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Khu vực Đông Bắc, sông chảy theo hướng vòng cung.

- Sinh vật: Hệ sinh thái ở đây phong phú và đặc sắc, thuộc khu hệ thực vật Việt Bắc – Hoa Nam. Khoảng 50% thành phần loài là bản địa. Cảnh quan thiên nhiên thay đổi theo mùa và theo từng khu vực.

- Khoáng sản: Khu vực có nhiều loại khoáng sản đa dạng, bao gồm: than đá (Quảng Ninh, Thái Nguyên), than nâu (đồng bằng sông Hồng), sắt (Thái Nguyên), chì - kẽm (Bắc Kạn), thiếc (Cao Bằng), và khí tự nhiên ở bể Sông Hồng.

2. Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ

- Phạm vi, ranh giới: Gồm khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và vùng biển duyên hải Bắc Trung Bộ; ranh giới phía nam tới dãy núi Bạch Mã.

- Địa hình và đất:

+ Địa hình núi cao và núi trung bình, chia cắt mạnh và hiểm trở nhất nước ta. Hướng tây bắc – đông nam. Có nhiều sơn nguyên, cao nguyên, lòng chảo,.... Đồng bằng nhỏ và bị chia cắt. Ven biển có nhiều cốn cát, đầm phá.

+ Đất feralit ở vùng đồi núi; đất phù sa ở các đồng bằng.

- Khí hậu: Nhiệt độ trung bình năm tăng dần và biên độ nhiệt độ giảm từ Bắc vào Nam.

- Sông ngòi: Các sông lớn như sông Đà, sông Mã, sông Cả,... chảy theo hướng tây bắc – đông nam; những sông nhỏ, dốc, bắt nguồn từ vùng núi phía tây đổ ra Biển Đông.

- Sinh vật: Hội tụ nhiều luồng sinh vật, đặc biệt là luồng Hi-ma-lay-a - Vân Quý, Ấn Độ - Mi-an-ma và Ma-lai-xi-a - In-đô-nê-xi-a. Rừng còn tương đối nhiều ở vùng núi Nghệ An, Hà Tĩnh.

- Khoáng sản: Sắt ở Hà Tĩnh; đồng ở Sơn La, Lào Cai; a-pa-tít ở Lào Cai; crôm ở Thanh Hoá; thiếc ở Nghệ An; vật liệu xây dựng ở nhiều địa phương,...

3. Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ

- Phạm vi, ranh giới: gồm khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và vùng biển duyên hải Bắc Trung Bộ từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế. Ranh giới của miền từ ranh giới với miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ tới dãy núi Bạch Mã.

- Địa hình và đất: 

+ Địa hình núi cao và núi trung bình chiếm ưu thế, bị chia cắt mạnh và hiểm trở nhất nước ta. 

+ Các dãy núi xen kẽ các thung lũng theo hướng tây bắc – đông nam, có nhiều bề mặt sơn nguyên, cao nguyên, lòng chảo,.... 

+ Ven biển có nhiều cồn cát, đầm phá, nhiều bãi tắm đẹp, nhiều nơi có thể xây dựng cảng biển. Đồng bằng nhỏ và bị chia cắt.

+ Nhóm đất feralit trên đá vôi và feralit trên các loại đá khác phổ biến ở vùng đồi núi; đất phù sa chủ yếu ở các đồng bằng Thanh Hoá, Nghệ An và dải đồng bằng nhỏ hẹp ven biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.

- Khí hậu: 

+ Đặc trưng về khí hậu của miền là sự giảm sút ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, nhiệt độ trung bình năm tăng dần và biên độ nhiệt độ giảm từ Bắc vào Nam. Dãy Hoàng Liên Sơn ngăn cản sự xâm nhập trực tiếp của gió mùa Đông Bắc vào khu vực

+ Tây Bắc làm cho mùa đông ở Tây Bắc ấm và ngắn hơn Đông Bắc. Do tác động bức chắn của dãy Trường Sơn Bắc, hình thành gió Tây khô nóng ở Bắc Trung Bộ vào đầu mùa hạ.

- Sông ngòi: Nam Trung Bộ phần lớn là sông nhỏ. Ở đồng bằng sông Cửu Long, sông Tiền và sông Hậu phân chia thành nhiều chi lưu đổ ra biển.

- Sinh vật: Rừng cận xích đạo gió mùa là loại rừng phổ biến. Ở Tây Nguyên, tồn tại kiểu rừng nhiệt đới gió mùa với sự kết hợp giữa cây nửa rụng lá và cây rụng lá hoàn toàn. Trong khi đó, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, các hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm phát triển mạnh mẽ.

- Khoáng sản: Các nguồn tài nguyên khoáng sản chủ yếu gồm dầu mỏ và khí tự nhiên được khai thác ở thềm lục địa, cùng với bô-xít có trữ lượng lớn ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

III. Ảnh hưởng của sự phân hoá đa dạng thiên nhiên đến phát triển kinh tế - xã hội

- Sự phân hoá thiên nhiên theo chiều bắc - nam, đặc biệt là phân hoá của khí hậu có ảnh hưởng tới quy hoạch, hưởng chuyên môn hoá sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp giữa phần lãnh thổ phía Bắc và phần lãnh thổ phía Nam.

- Sự phân hoá đông – tây: Vùng ven biển và thềm lục địa phát triển tổng hợp kinh tế biển, đồng bằng phát triển cây lương thực, chăn nuôi lợn, gia cầm; định cư, tập trung các thành phố, đầu mối giao thông vận tải. Vùng đồi núi có nhiều thế mạnh về khoáng sản, lâm sản,...

- Sự phân hoá của thiên nhiên theo độ cao: Các đai cao khác nhau về khí hậu, đất, sinh vật tạo nên các thế mạnh khác nhau trong phát triển kinh tế, đồng thời dẫn tới sự phân bố dân cư khác nhau.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Địa lí 12 KNTT bài 3: Sự phân hoá đa dạng của, kiến thức trọng tâm Địa lí 12 kết nối tri thức bài 3: Sự phân hoá đa dạng của, Ôn tập Địa lí 12 kết nối tri thức bài 3: Sự phân hoá đa dạng của

Bình luận

Giải bài tập những môn khác