Lý thuyết trọng tâm Địa lí 12 Chân trời bài 11: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Địa lí 12 chân trời sáng tạo bài 11: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

CHƯƠNG 3: ĐỊA LÍ CÁC NGÀNH KINH TẾ

BÀI 11. CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ

Phần 1: Mục tiêu bài học

- Phân tích được ý nghĩa của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta.

- Chứng minh và giải thích được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Chứng minh và giải thích được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, theo thành phần kinh tế, theo lãnh thổ ở nước ta.

- Nêu và đánh giá được vai trò của mỗi thành phần - kinh tế trong nền kinh tế đất nước hiện nay.

- Vẽ được biểu đồ, phân tích biểu đồ và số liệu thống kê liên quan đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Phần 2: Bài học

I. Ý nghĩa của chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta

- Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có về tự nhiên, kinh tế - xã hội của quốc gia và mỗi vùng.

- Khai thác tổng hợp các nguồn lực trong nước và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lí; giải quyết việc làm và các vấn đề an sinh xã hội;...

- Đẩy nhanh quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

- Góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

II.  Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

- Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế nước ta có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. 

- Đồng thời với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ. 

2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, theo thành phần kinh tế và theo lãnh thổ

a) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành

- Cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP của nước ta đang có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ.

- Trong nông nghiệp, ngành trồng trọt có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích cây trồng hàng năm không hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm. Ngành nông nghiệp đang được tái cơ cấu theo hướng nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường và phục vụ xuất khẩu.

- Trong công nghiệp, cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các ngành chế biến, chế tạo, nhất là các ngành chế biến sâu và giảm tỉ trọng ngành khai khoáng; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nước ta đang thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng thực hiện chuyển đổi số, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

- Ngành dịch vụ ngày càng đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế nước ta và đang phát triển theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đa dạng các sản phẩm có năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực như truyền thông, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, du lịch, thương mại, y tế, giáo dục,...

b) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế

- Tỉ trọng thành phần kinh tế Nhà nước có xu hướng giảm nhưng vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nước ta. Thành phần kinh tế ngoài Nhà nước có tỉ trọng tăng và chiếm cao nhất trong cơ cấu GDP. Tỉ trọng thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh.

- Thành phần kinh tế Nhà nước đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo;... Các doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt như viễn thông, điện, xăng dầu, khai khoáng,...

- Thành phần kinh tế ngoài Nhà nước huy động ngày càng tốt các nguồn lực cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tham gia vào giải quyết những vấn đề xã hội, phát triển nguồn nhân lực,... Trong đó, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp ngày càng lớn về vốn đầu tư, công nghệ; phương thức quản lí hiện đại; mở rộng thị trường xuất khẩu cho nước ta.

c) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ

- Nước ta có 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm: Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. 

- Trong nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng, góp phần tạo xu hướng chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu. 

- Trong công nghiệp, hình thành các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu công nghệ cao,... đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao trị giá xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

- Trong dịch vụ, nhiều trung tâm thương mại được hình thành với mạng lưới rộng khắp cả nước, các vùng du lịch với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng cho từng vùng,...


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Địa lí 12 CTST bài 11: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kiến thức trọng tâm Địa lí 12 chân trời sáng tạo bài 11: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Ôn tập Địa lí 12 chân trời sáng tạo bài 11: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Bình luận

Giải bài tập những môn khác