Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ Lượm theo ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba
Đề bài: Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ Lượm theo ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba
Bài viết tham khảo
Chiến tranh là nỗi đau của cả dân tộc Việt Nam. Lửa đạn chiến tranh đã tàn phá cuộc sống và cướp đi sinh mạng bao con người. Trong hồi ức đau thương ấy, câu chuyện về chú bé liên lạc Lượm là câu chuyện mà chúng tôi mãi mãi không thể quên.
Những năm tháng ấy, cả dân tộc đều chung sức đồng lòng kháng chiến chống giặc. Ở thành phố Huế, phong trào nhân dân yêu nước dâng cao, thực dân Pháp ác liệt dìm nhân dân vào trong bể máu. Trên đơn vị truyền xuống công văn, tôi được lệnh về Hà Nội hoạt động. Tôi tình cờ đến Hàng Bè, giữa dòng người, một chú bé dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn đến gần tôi. Tôi ngạc nhiên nhìn chú bé giống hệt học trò nhỏ tan trường trao cho tôi mật khẩu và một bức thư. Cách mạng hoạt động bí mật, tôi không tiện hỏi thăm. Tôi cất kĩ lá thư, nhìn theo bóng dáng bé nhỏ, đang nhảy chân sáo tung tăng, hòa dần vào dòng người.
Sau này, trong một buổi gặp gỡ ở đơn vị, các đồng chí giới thiệu cháu với tôi tôi mới biết chú bé ấy tên Nông Văn Dền, mọi người gọi là Lượm, làm liên lạc cho mặt trận Việt Minh. Lượm lẽ phép chào tôi, cái mũ ca nô đội lệch với ánh mắt ngây thơ mà vô cùng lanh lợi. Tôi ngồi cạnh Lượm, tò mò hỏi:
- Cháu bao nhiêu tuổi rồi? Lần trước cháu giao thư, chú định hỏi chuyện mà cháu đi nhanh quá.
Lượm cười tươi tắn, nụ cười mà chỉ thế hệ thanh thiếu niên đầy sức sống mới có, làm người đối diện cũng cảm thấy vui vẻ hơn:
- Cháu 11 tuổi chú ạ! Hôm ấy, cháu không dám lán lại vì sợ quân địch theo dõi, phát hiện. Chẳng may bị chúng bắt được, Cách mạng ta sẽ lại gặp khó khăn.
Câu trả lời của Lượm khiến tôi khâm phục. Lượm sợ thực dân phát hiện bí mật Cách mạng, quân ta nguy hiểm chứ không hề sợ hãi mình sẽ bị tra tấn. Tôi vỗ vai khích lệ đồng chí liên lạc nhỏ tuổi mà nhanh trí:
- Khá lắm! Cháu đi liên lạc có thấy vất vả không?
Lượm đá đá cỏ dưới chân, ánh mắt sáng lên:
- Cũng có lúc nguy hiểm cận kề, đạn địch, máy bay lượn vèo vèo ngay trên đỉnh đầu nhưng vui lắm chú ạ. Nghĩ đến thắng lợi, nghĩ đến Bác Hồ là chẳng còn sợ hãi gì nữa. Cháu chỉ mong mình trưởng thành hơn để giúp được Cách mạng nhiều hơn nữa ạ.
Chú cháu tôi ngồi nói chuyện đến tận khi các đồng chí khác gọi. Lượm đứng dậy, nghiêm trang giơ tay chào tôi: “Chào đồng chí”. Tôi bật cười rồi cũng giơ tay chào lại. Lượm phải tiếp tục đi liên lạc, tôi lại về hoạt động bí mật. Cách mạng đi vào giai đoạn gấp rút, khẩn trương. Tôi không nghĩ đến, lần đó là lần cuối cùng tôi gặp Lượm.
Một ngày, tôi gặp lại đồng chí ở đơn vị lần trước cùng Lượm, tôi bèn hỏi chú bé loắt choắt ấy. Đồng chí đầy tự hào miêu tả lại dáng vẻ của Lượm những ngày liên lạc. Tôi chưa biết rõ nên cũng chăm chú lắng nghe, dần tưởng tượng ra hình ảnh chú bé nhanh thoăn thoắt, vừa đi vừa huýt sáo vang. Chú đeo cái túi xinh xinh, bên trong đựng thư thượng khẩn, thư liên lạc của Cách mạng. Con đường đưa thư phải đi qua cách đồng vắng. Một bên là đồn gác nhỏ của giặc, căn cứ của Cách mạng chúng ta ở bên kia. Lòng dũng cảm và mưu trí khiến Lượm không chút mảy may lo sợ. Lượm tung tăng chụp bướm, chuồn chuồn, hồn nhiên che mắt giặc. Chiếc ca lô nhỏ nhấp nhô mãi trên cánh đồng.
Nhưng, cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi, giọng đồng chí thoáng trầm xuống. Đồng chí nói Lượm đã hy sinh. Giặc không tha cho chú bé mới mười mấy tuổi, chúng nổ súng, viên đạn xuyên qua trái tim Lượm. Em ngã xuống cánh đồng ngay khi còn cách căn cứ những bước chân cuối cùng. Dòng máu đỏ tươi cùng đôi mắt nhắm nghiền yên tĩnh của em khiến trái tim các đồng chí khác xót xa.
Trong nỗi tiếc thương và khâm phục, lòng tôi bật thốt lên những câu thơ về một chú bé liên lạc dũng cảm, một thiên thần đã hi sinh cho thắng lợi ngày mai của Tổ quốc.
“Chú bé loắt choắt,
Cái xắc xinh xinh,
Cái chân thoăn thoắt,
Cái đầu nghênh nghênh,
Ca-lô đội lệch,
Mồm huýt sáo vang,
Như con chim chích,
Nhảy trên đường vàng...”
Bình luận