Chọn một trong hai đề sau để viết thành bài văn ngắn:...

Câu 17: Chọn một trong hai đề sau để viết thành bài văn ngắn:

Đề 1. Phân tích một tác phẩm truyện lịch sử mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8, tập hai.

Đề 2. (SGK) Phân tích bài thơ sau:

BÁNH TRÔI NƯỚC

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

(Hồ Xuân Hương, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập III, 

 

NXB Văn hoá, Hà Nội, 1963)


Phân tích truyện ngắn Lão Hạc 

Nam Cao là một trong những tác gia lớn của nền văn học Việt Nam, với dáng người bé nhỏ, khuôn mặt hiền lành, thế nhưng ở ông lại chứa đựng một sức sáng tác tác lớn, dồi dào và mạnh mẽ. Trước cách mạng tháng tám đề tài người nông dân và trí thức tiểu tư sản dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, xoay đi xoay lại cũng chỉ là việc họ bị cái nghèo, cái đói giày vò đến khốn khổ. Thế nhưng bằng ngòi bút tài năng và giàu sức sáng tạo của mình Nam Cao đã biến nó thành những câu chuyện khác nhau, những mảnh đời khác nhau, tuy chung bi kịch, nhưng ở mỗi cuộc đời bất hạnh ta lại thấy những khía cạnh khác nhau, sự chua chát đắng cay và cả những vẻ đẹp tâm hồn được Nam Cao khai thác rất tinh tế tỉ mỉ.

Đóng góp cho nền văn học hiện thực Việt Nam nhiều những tác phẩm có giá trị và ý nghĩa nhân văn sâu sắc ví như các truyện ngắn Chí Phèo, Đời thừa, Giăng sáng, Một bữa no, Tư cách mõ, Từ ngày mẹ chết,... Trong đó Lão Hạc cũng là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nam Cao, kể về nỗi đau đớn của một người cha nghèo vì thương con mà không dám ăn, dứt ruột bán đi con chó bấy lâu ông chăm bẵm, xem như con để dành dụm tiền lo hậu sự, giữ lại cho con mấy sào vườn, rồi ăn bả chuột chết, một cái chết đau đớn và ám ảnh, đúng với phong cách văn hiện thực của Nam Cao.

Như nhiều tác phẩm khác của Nam Cao, nhân vật chính trong truyện lúc nào cũng có một cuộc đời khốn khó, hoặc bất ngờ cái sự khốn khó bỗng đổ ập lên đầu người vô tội vì nhiều nguyên do khác nhau. Lão Hạc cũng là một kiếp người như thế, đời một người nông dân thì chẳng bao giờ biết đến cái giàu sang sung sướng, mà chỉ cốt cố làm, cố ăn sao cho sống hết được cái đời dài đằng đẵng. Lão Hạc cũng có vợ, nhưng vợ lão mất sớm, chỉ để lại cho lão một thằng con trai, từ ấy trở đi lão cứ ở vậy làm lụng, bòn vườn nuôi con khôn lớn. Đến khi con lớn rồi thì bậc làm cha như lão lại phải đau đầu chuyện cưới vợ cho con, thế nhưng khốn nỗi nhà lão nghèo quá, miệng ăn kiếm chưa đủ thì kiếm đâu ra cả trăm bạc nhà gái thách cưới. Thằng con lão không cưới được vợ đâm ra buồn chán, bất đắc chí, rồi dứt áo ra đi bỏ vào Nam làm đồn điền cao su với hy vọng kiếm được tiền. Lão Hạc thấy con đi thì cũng xót xa đau đớn lắm, lão chỉ trách tại cái thân mình nghèo rồi hại đến đời con, để nó phải bỏ xứ mà tha phương cầu thực. Mà những kẻ bỏ quê đi thì cũng có được sung sướng gì, ai biết được làm đồn điền trong ấy nó có sung sướng gì không, hay lại bị người ta chèn ép, bóc lột. Thằng con đi chỉ để lại cho lão một con chó vàng mà lão vẫn thường âu yếm gọi là "cậu Vàng" lão chăm bẵm xem nó như con, có đồ ngon gì cũng dành phần cho nó, có con chó lão đỡ buồn và vơi đi nỗi nhớ đứa con trai biết bao nhiêu. Lão Hạc sống lương thiện, chưa từng chôm chỉa của ai bao giờ, lão bòn vườn, rồi lại đi cày thuê cuốc mướn cho người ta để lấy cái ăn, còn tiền thu được ở vườn thì lão để dành, đợi con trai về rồi sẽ góp thêm vào kiếm cho nó một tấm vợ. Nhưng có lẽ rằng hiện thực tàn khốc, và đặc biệt là truyện ngắn của Nam Cao thì cho dù con người ta có hiền lành, chăm chỉ đến đâu, nhưng vẫn cứ bị những biến cố khốn nạn vồ lấy dồn dập, ép họ vào đường cùng, vào cái sự đau đớn, dằn vặt. Lão Hạc đang khỏe bỗng nhiên đổ bệnh, một trận ốm 2 tháng 18 ngày đã tiêu tốn sạch cái mớ tiền lão tích cóp bấy lâu, lại thêm việc không đi làm thuê được ngày nào khiến lão gần như khánh kiệt. Nhưng trời nào có thương cho phận lão, việc năm nay vốn đã kém đi nhiều, thế mà bão lại còn quét một trận qua khu vườn của lão, thành thử ra có bao nhiêu hoa màu thì gãy dập hết, mất hết. Lão với con chó vàng ngày ăn 3 hào gạo nhưng vẫn cứ đói, thậm chí con chó còn ăn nhiều hơn cả lão, mà cụ lại không dám cho nó ăn ít đi bởi ăn ít thì "cậu ấy gầy đi, bán hụt tiền". Mà lão thì lại càng không muốn bán mảnh vườn của con trai. Lão thương con trai lão, người cha nhân hậu ấy không muốn để cuộc đời gần tàn của lão liên lụy đến cái đời còn trẻ của con.

Cái đói kém, khốn khổ đã hành hạ người cha già thương con ấy rất lâu, cuối cùng lão cũng ra một quyết định hệ trọng và đau đớn. Trong buổi nói chuyện với ông giáo, người rất thân với lão, lão Hạc đã nói trong sự tần ngần và nghiêm túc "Có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ", nhưng ông giáo chẳng lấy làm tin cho lắm, bởi lẽ trước đây ông lão cũng từng nhiều lần nói vậy nhưng chưa lần nào ông làm thật. Điều ấy đã chứng tỏ một điều rằng lão Hạc luyến tiếc và yêu thương cậu Vàng lắm, lão không nỡ bán nó cho người ta giết thịt, bởi nó là kỷ vật là người bạn đã theo lão suốt 3 năm trời đằng đẵng, bán nó sao đành. Nhưng khốn lắm, trời hành cái thân lão, khiến lão đói kém quá, mà suy cho cùng lão vẫn phải nghĩ đến con, thế nên đành tàn nhẫn bán con chó đi sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ. Tội nghiệp cho một người già đến cuối đời vẫn phải trăn trở nhiều khổ đau như vậy. Ngày bán cậu Vàng, lão đã vội chạy sang báo với ông giáo, người đàn ông khốn khổ ấy cố làm ra vẻ vui mừng thế nhưng cái "nụ cười như mếu và đôi mắt ầng ậng nước" kia của lão thì làm sao giấu nổi những đớn đau, dằn vặt trong lòng lão. Một câu hỏi của ông giáo "Thế nó cho bắt à?" đã đập tan tất cả phòng tuyến cuối cùng của ông lão tội nghiệp ""Mặt lão đột nhiên co rúm lại . Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...". Lão Hạc phải gánh chịu nỗi thống khổ của bi kịch làm người, lão thế mà lại đi lừa một con chó, con chó đã theo lão suốt ba năm trời trung thành, con chó mà lão yêu quý và coi như con. Ôi chao cái đời lão sao nó khốn nạn và độc ác quá, lão ăn ở thất đức với cả một con chó không biết gì. Lão Hạc vẫn ám ảnh và nhớ như in ánh mắt và tiếng kêu ư ử của cậu Vàng lúc bị người ta bắt đi, lão thấy ân hận và xót xa lắm. Đúng trời bắt tội con người, lão lương thiện cả đời, chăm chỉ, dè sẻn vì con, vì cháu cuối cùng lại trở thành người tráo trở, đến con chó chung sống bấy lâu cũng không tha. Thế rồi lão nói hóa kiếp cho con chó, nhưng trở thành kiếp gì cho sung sướng, chứ kiếp người như lão thì chi bằng đừng hóa kiếp cho xong. Những nỗi đớn đau và suy nghĩ của lão Hạc khi nhắc về chuyện bán con chó đã cho ta thấy tấm lòng của một con người hết mực lương thiện, sống thủy chung, giàu lòng nhân hậu, dẫu chỉ là một con chó nhưng lão cũng dành cho nó những tình cảm sâu sắc, gắn bó, thấy tội lỗi khi lỡ lừa bán nó. Đối với con trai lão Hạc lại là một người cha có tấm lòng yêu thương hết mực, con trai đi làm ăn thì ở nhà lão cũng lo tích cóp dành dụm đợi con về, lão luôn mang trong mình những mặc cảm là người cha "có tội" khi không lo được cho con cưới vợ, để con phải tha phương cầu thực. Mà khốn khổ thay cái tội nghèo thì nó đã quanh quẩn với biết bao kiếp người chứ phải riêng gì lão, ấy thế mà lão vẫn thấy mình có tội, thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm, chứ lão chẳng bao giờ than trời trách đất. Vì thế lão lại càng không được ăn phạm vào mảnh vườn mà vợ lão dè sẻn chắt bóp cả đời để cho con, lão buộc phải bán cậu Vàng, phải lo liệu thật chu toàn để con lão trở về không phải khổ. Chao ôi tấm lòng cha mẹ đời nào cũng thế, cả đời chỉ vì con cái, vì con cái mà cắn rơm cắn cỏ, hy sinh, chịu đựng tất cả.

Bán con chó Vàng là một phần trong kế hoạch "chu toàn" của lão Hạc. Phần tiếp theo nữa ấy là việc nhờ ông giáo chăm nom vườn tược cho con, rồi gửi ông giáo số tiền 30 chục bạc để ông giáo lo liệu hậu sự sau này cho mình. Như vậy đến lúc này đây ta lại thấy ở lão Hạc không chỉ là tấm lòng yêu thương con tha thiết mà còn là lòng tự trọng sâu sắc. Lão gửi ông giáo tiền hậu sự, vì không muốn phiền bà con chòm xóm lúc chết, lão muốn được chết đi trong trong sạch, không nợ nần với ai, và cũng là để con lão có trở về thì không bị mang tiếng chôn cha nhưng phải phiền lụy xóm giềng. Lão Hạc ấy đã suy nghĩ thật chu toàn, chuẩn bị sẵn cho chuyến đi xa của mình, chứ quyết không chịu sống lay lắt, tội lỗi, liên lụy con cái, láng giềng thêm nữa. Mà quả thực, cái thời buổi đói kém này, có lẽ cái chết là cách giải thoát duy nhất cho những con người đau yếu, già nua, không nơi nương tựa, chứ sống ngày nào thì càng khốn khổ thêm ngày đó. Lão Hạc cũng nghĩ vậy. Nhưng nhìn xem lão đã chọn cái chết thật kinh hoàng, thật ám ảnh. Đến cả chết mà lão cũng không dám cho mình một cái chết êm ái, lão chọn ăn bả chó, rồi nhận lấy một cái chết dữ dội, vật vã suốt 2 giờ đồng hồ rồi mới nhắm mắt xuôi tay. Sao Lão Hạc phải khổ vậy? Đành rằng lão chấp nhận chết để dành lại vườn và tiền cho thằng con trai của lão, nhưng thêm một thứ nữa có lẽ lão đang tự trừng phạt mình vì những tội lỗi lão đã gây ra cho cậu Vàng chăng? Hoặc chỉ đơn giản rằng, bả chó không mất tiền mua, lão xin được của Binh Tư, thôi thì cũng không phạm vào tiền của con trai, lão chết thế nào chẳng là chết. Thật tội nghiệp và đớn đau cho một kiếp người như thế.

Lão Hạc là một truyện ngắn hay và xuất sắc nhất của Nam Cao giai đoạn trước cách mạng tháng tám, để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Không chỉ là cái chết đầy ám ảnh của một kiếp người tàn mà ở đó ta thấy được nhiều vẻ đẹp đáng quý của một con người giữa cái thời đói khổ khốn nạn. Đó là tấm lòng thương yêu con sâu sắc, chịu chết để giữ vườn cho con, là lối sống ân nghĩa, thủy chung với cả con chó, là sự lương thiện, thật thà của một con người dù đói chứ cũng không bao giờ táy máy của ai, là tấm lòng tự trọng, chu toàn không muốn phiền lụy đến một ai sau khi chết. Một đời người lắm hy sinh, lắm tốt đẹp như thế nhưng vẫn phải chịu nhiều nghiệt ngã đớn đau, vì trời bắt tội những kẻ nghèo, thật khiến người ta không khỏi bùi ngùi, xót xa.

(Sưu tầm)


Giải những bài tập khác

Bình luận

Giải bài tập những môn khác