Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Lịch sử 8 chân trời bài 18: Đông Nam Á

VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Vì sao các nước Đông Nam Á lại trở thành đối tượng xâm lược của các nước phương Tây?

Câu 2: Em hãy nhận xét về tinh thần đấu tranh với giặc ngoại xâm của người dân Đông Nam Á.

Câu 3: Em hãy trình bày khái quát về một số cuộc khởi nghĩa chống lại thực dân xâm lược của nhân dân Đông Nam Á.


Câu 1: 

* Nguyên nhân khách quan:

Các nước tư bản thực dân (cụ thể là Pháp) đang trong quá trình phát triển chủ nghĩa đế quốc mạnh mẽ, cần nguyên liệu, thị trường, thuộc địa,... nên đang tích cực đẩy mạnh xâm lược thuộc địa.

* Nguyên nhân chủ quan:

- Vị trí địa lí: Các nước Đông Nam Á có vị trí địa lí vô cùng quan trọng.

+ Nằm trên đường hàng hải từ Tây sang Đông, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.

+ Là cửa ngõ để đi vào lục địa châu Á rộng lớn.

- Tài nguyên, thiên nhiên: Là khu vực giàu tài nguyên như: lúa gạo, cây hương liệu, động vật, khoáng sản,…

- Dân cư: Có nguồn nhân công rẻ mạt và thị trường tiêu thụ rộng lớn.

- Chính trị - xã hội: Chế độ phong kiến ở các nước Đông Nam Á đang suy yếu, xã hội khủng hoảng.

Câu 2:

- Khi thực dân phương Tây tiến vào xâm lược, các quốc gia Đông Nam Á với truyền thống yêu nước đã tiến hành rất nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh chống lại ách thống trị của chế độ thực dân.

- Với lòng nồng nàn yêu nước, tinh thần quật khởi của nhân dân, tuy điều kiện chiến đấu còn nhiều khó khăn và sự đàn áp mạnh mẽ từ phía thực dân nhưng không làm vơi được ý chí quyết thắng với quân thù, giữ được nền độc lập thống nhất của nước nhà.

- Cuộc đấu tranh giữ đất, giữ làng diễn ra bền bỉ, liên tục, kiên cường, lớp trước ngã xuống, lớp sau nối tiếp tiến lên, kiên quyết đánh giặc cho dù phải hy sinh cả tính mạng; tất cả vì một mục tiêu chiến đấu cho dân tộc sinh tồn. Tạo được bước đệm cho các cuộc chống lại chủ nghĩa thực dân ở các giai đoạn sau, làm chậm được bước tiến của thực dân phương Tây.

Câu 3:

* Phong trào chống thực dân Hà Lan của nhân dân In-đô-nê-xi-a:

- Chính sách thống trị của thực dân Hà Lan đã làm bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

- Từ năm 1825 – 1830, cuộc khởi nghĩa A-chê do hoàng tử Đi-pô-nê-gô-rô lãnh đạo được đông đảo nhân dân trên đảo Giava và các đảo khác đi theo, đây là cuộc nổi dậy lớn nhất của người In-đô-nê-xi-a hồi đầu thế kỉ XIX.

- Cuộc khởi nghĩa nông dân do Sa-min lãnh đạo năm 1890.

- Phong trào công nhân hình thành với sự ra đời của các tổ chức như: Hiệp hội công nhân đường sắt (1905), Hiệp hội công nhân xe lửa (1908).

- Tháng 12/1914, Liên minh xã hội dân chủ In-đô-nê-xi-a ra đời nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác trong công nhân, đặt cơ sở cho Đảng Cộng sản ra đời (5/1920). Giai cấp tư sản dân tộc, tầng lớp trí thức tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản châu Âu đóng vai trò nhất định trong phong trào yêu nước ở In-đô-nê-xi-a đầu thế kỉ XX. Vì vậy, phong trào yêu nước mang màu sắc mới theo khuynh hướng dân chủ tư sản với sự tham gia của công nhân và tư sản.

* Phong trào chống thực dân ở Phi-lip-pin:

- Thực dân Tây Ban Nha đặt ách thống trị trên 300 năm ở Phi-lip-pin, khai thác bóc lột triệt để tài nguyên và sức lao động khiến mâu thuẫn giữa nhân dân và thực dân ngày càng gay gắt dẫn đến phong trào đấu tranh bùng nổ.

- Năm 1872, có khởi nghĩa ở Ca-vi-tô, nghĩa quân làm chủ Ca-vi-tô được 3 ngày thì thất bại.

- Vào những năm 90 của thế kỉ XIX, ở Phi-lip-pin xuất hiện 2 xu hướng chính trong phong trào giải phóng dân tộc.

+ Xu hướng cải cách của Hô-xê Ri-dan. Năm 1892, Hô-xê Ri-dan thành lập “Liên minh Phi-lip-pin” bao gồm trí thức yêu nước, địa chủ, tư sản tiến bộ, một số hộ nghèo, hình thức đấu tranh ôn hòa.

+ Xu hướng bạo động của Bô-ni-pha-xi-ô. Do không tán thành cải cách ôn hòa, tháng 1/1892,  Bô-ni-pha-xi-ô thành lập “Liên hiệp những người con yêu quý của nhân dân” tập hợp nông dân, dân nghèo thành thị.

Ngày 28/8/1896, Bô-ni-pha-xi-ô phát lệnh khởi nghĩa với khẩu hiệu “Chiến thắng hay là chết!”.

Khởi nghĩa đã giải phóng nhiều vùng, thành lập được chính quyền nhân dân.

- Phong trào đấu tranh chống Mĩ

+ Năm 1898, Mĩ gây chiến với Tây Ban Nha hất cẳng Tây Ban Nha và chiếm Phi-lip-pin.

+ Nhân dân Phi-lip-pin anh dũng chống Mĩ, đến năm 1902 thất bại, Phi-lip-pin trở thành thuộc địa của Mĩ.

* Phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân Cam-pu-chia:

- Năm 1863, Cam-pu-chia chấp nhận sự bảo hộ của Pháp. Năm 1884, Pháp gạt Xiêm, biến Cam-pu-chia thành thuộc địa của Pháp.

- Ách thống trị của Pháp làm cho nhân dân Cam-pu-chia bất bình vùng dậy đấu tranh.

- Phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Cam-pu-chia:

+ Khởi nghĩa Si-vô-tha (từ 1861 – 1892), cuộc khởi nghĩa tấn công U-đong và Phnôm Pênh, mở rộng địa bàn nhưng sau đó bị thất bại.

+ Khởi nghĩa A-cha Xoa (từ 1863 – 1866) diễn ra ở các tỉnh giáp biên giới Việt Nam, nhân dân Châu đốc (Hà Tiên) ủng hộ A-cha-xoa chống Pháp nhưng cuối cùng bị thất bại.

+ Khởi nghĩa Pu-côm-bô ( từ 1866 – 1867), khởi nghĩa lập căn cứ ở Tây Ninh (Việt Nam) sau đó tấn công về Cam-pu-chia kiểm soát Pa-man tấn công U-đong nhưng thất bại.

* Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Lào đầu thế kỷ XX

- Giữa thế kỉ XIX, chế độ phong kiến suy yếu, Lào phải thuần phục Thái Lan.

- Năm 1893, Lào bị thực dân Pháp xâm lược.

- Các cuộc khởi nghĩa:

+ Khởi nghĩa Pha-ca-đuốc (từ 1901 – 1903) đã giải phóng Xa-va-na-khet, đường 9, Biên giới Việt – Lào nhưng thất bại.

+ Khởi nghĩa Ong Kẹo và Com-ma-đam (từ 1901 – 1937) nổ ra ở cao nguyên Bô-lô-ven nhưng cũng bị thất bại.

- Phong trào đấu tranh của nhân dân Lào và Cam-pu-chia cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX diễn ra liên tục, sôi nổi nhưng còn mang tính tự phát. Hình thức đấu tranh chủ yếu là khởi nghĩa vũ trang. Lãnh đạo là các sĩ phu yêu nước và nông dân. Các cuộc đấu tranh đều thất bại do tự phát thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức vững vàng nhưng đã thể hiện tinh thần yêu nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân 3 nước Đông Dương.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác