Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Ngữ văn 8 cánh diều bài 2: Nếu mai em về Chiêm Hóa
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Hãy phân tích khổ thơ đầu của bài thơ.
Nếu mai em về Chiêm Hoá
Cho ta gửi nỗi nhớ cùng
Tháng Giêng mưa tơ rét lộc
Em về vừa kịp mùa măng.
Câu 2: Hãy phân tích khổ thơ thứ hai của bài thơ.
Sông Gâm đôi bờ trắng cát
Đá ngồi dưới bến trông nhau
Non Thần hình như trẻ lại
Xanh lên ngút ngát một màu
Câu 3: Hãy phân tích khổ thơ thứ ba của bài thơ.
Phố đông cứ mải tìm nhau
Cô gái Dao nào cũng đẹp
Vòng bạc rung rinh cổ tay
Ngù hoa mơn mởn ngực đầy.
Câu 4: Hãy phân tích khổ thơ thứ tư của bài thơ.
Con gái bản Tày duyên quá
Sắc chàm như cũng pha hương
Chỉ riêng nụ cười môi mọng
Mùa xuân e cũng lạc đường.
Câu 5: Bài thơ thể hiện tình cảm, cảm xúc gì của tác giả với quê hương?
Câu 1:
- Chiêm Hoá: một huyện của tỉnh Tuyên Quang, có địa hình đồi núi, là quê hương của tác giả.
- Bài thơ có một cách mở thú vị: Tác giả không trực tiếp nói về vẻ đẹp của quê hương mình ngay mà thông qua việc nhờ “em” mang nỗi nhớ về hộ. Ta thấy rằng, “nỗi nhớ” đâu thể nào có thể nhờ người khác mang giùm được, nhưng tác giả lại như muốn điều đó có thể. Cách mở này đã cho thấy tác giả là một người yêu quê hương tha thiết, luôn mong muốn trở về.
- “Em” – “ta”: cách xưng hô thân mật, giản dị
- Nỗi nhớ của nhà thơ về một quê hương tươi đẹp bắt đầu với khung cảnh mùa xuân: “Tháng Giêng mưa tơ rét lộc”. Những hạt mưa nhỏ, không khí se lạnh, cây cối đâm chồi nảy lộc.
- “Em về vừa kịp” cho thấy “mùa măng” ở đây rất đáng để chờ đợi.
Câu 2:
- Từ “trắng” được đảo lên trước “cát”: nhấn mạnh màu sắc của bờ sông. Hình ảnh bờ sông cát trắng là một hình ảnh đẹp.
- “Đá” được nhân hoá, có thể ngồi và nhìn nhau => con sông đã đẹp giờ lại còn sống động thêm.
- Non Thần là tên một ngọn núi. Khi nói đến thần, chúng ta thường hiểu người đó đã ở một tuổi rất lớn. Ngọn núi trong bài thơ cũng như vậy, nhưng qua cách nhìn của nhà thơ, hoà cùng vào không khí của mùa xuân, mọi thứ đang đâm chồi nảy lộc, thì “Non Thần” cũng như trẻ ra.
- “Xanh lên” được đặt ở đầu câu: nhấn mạnh sắc màu của núi rừng. “Ngút ngát” là từ láy hay trong trường hợp này vì nó tạo cảm giác cao lên tận trời xanh.
=> Đoạn hai đã tái hiện lên bức tranh về thiên nhiên, cảnh quan mùa xuân của vùng Chiêm Hoá.
Câu 3:
- Câu đầu: cho thấy con phố ở đây đông vui, nhộn nhịp
- Các câu sau: thể hiện vẻ đẹp của con người nơi đây. Ngoại hình, trang phục đẹp đẽ, sặc sỡ.
- Câu 3 và 4 có phần nào đối xứng. Các từ láy “rung rinh”, “mơn mởn” gợi cảm giác tươi mới, rộn ràng.
Câu 4:
- Ở khổ 3, tác giả đã nói về vẻ đẹp của cô gái Dao, còn ở khổ 4 tác giả nói về vẻ đẹp của con gái một dân tộc khác ở Chiêm Hoá, đó là dân tộc Tày. Cả hai đều có những nét đẹp riêng.
- Câu 2 ý muốn nói sắc chàm của quần áo người Tày dường như hoà lẫn vào hương thơm.
- Hai câu đầu đã nói về vẻ đẹp của những cô gái Tày, vì thế cách nói “chỉ riêng” ở câu góp phần nhấn mạnh vẻ đẹp đó.
- “Mùa xuân” được nhân hoá như một nam thanh niên và người thanh niên đó thật khó để kiềm chế được vẻ đẹp của “nụ cười môi mọng”. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ thứ tư rất tinh tế: mùa xuân đẹp như đã nói ở trên, mùa xuân là tổng thể của nhiều thứ nhưng ở đây đã thu vào thành một người và người đó lại phải “lạc đường” vì nét đẹp của người con gái nơi đây.
Câu 5:
- Bài thơ thể hiện tình cảm yêu thương, thích thú và tự hào về vẻ đẹp quê hương của tác giả. Bài thơ cũng thể hiện nỗi nhớ, mong muốn của tác giả muốn trở về quê hương để tận hưởng không khí tưng bừng của mùa xuân.
Bình luận