Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Ngữ văn 11 cánh diều bài 3: Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

2. THÔNG HIỂU (6 câu)

Câu 1: Nhận xét các đặc điểm của ngôn ngữ nói được mô phỏng, tái tạo trong đoạn trích dưới đây:

Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.

– Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.

À, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười.

– Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã.

– Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.

Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.

– Đấy, muốn ăn gì thì ăn.

Hắn vỗ vỗ vào túi.

– Rích bố cu, hở!

Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:

– Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì.

Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:

– Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.

Hắn cười:

– Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.

Câu 2: Nhận xét các đặc điểm của ngôn ngữ nói được mô phỏng, tái tạo trong đoạn trích dưới đây:

Thoáng nhìn qua, cụ đã hiểu cơ sự rồi. Làm lí trưởng rồi chánh tổng, bây giờ lại đến lượt con cụ làm lí trưởng, những việc như thế này cụ không lạ gì. Cụ hãy quát mấy bà vợ đang xưng xỉa chực tâng công với chồng:

– Các bà đi vào nhà; đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì?

Rồi quay lại bọn người làng, cụ dịu giọng hơn một chút:

– Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?

Không ai nói gì, người ta lảng dân đi. Vì nể cụ bá cũng có, nhưng vì nghĩ đến sự yên ổn của mình cũng có: người nhà quê vốn ghét lôi thôi? Ai dại gì mà đứng ỳ ra đấy, có làm sao họ triệu mình đi làm chứng! Sau còn trơ lại Chí Phèo và cha con cụ bá. Bây giờ cụ mới lại gần hắn, khẽ lay và gọi:

– Anh Chỉ ơi! Sao anh lại làm ra thế?

Chí Phèo lim dim mắt, rên lên:

– Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.

Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm; người ta bảo cụ hơn người cũng chỉ bởi cái cười:

– Cái anh này nói mới hay! Ai làm gì anh mà anh phải chết? Đời người chứ có phải con ngoé đâu? Lại say rồi phải không?

Rồi, đổi giọng, cụ thân mật hỏi:

– Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.

Thấy Chí Phèo không nhúc nhích, cụ tiếp luôn:

– Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì, ta nói chuyện tử tế với nhau. Cần gì mà phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả.

Rồi vừa xốc Chí Phèo, cụ vừa phàn nàn:

- Khổ quá, giá có tôi ở nhà thì có đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng lí Cường nóng tính không nghĩ trước nghĩ sau. Ai, chứ anh với nó còn có họ kia đấy.

Câu 3: Phân tích các đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ viết trong đoạn trích sau:

Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. [...]

Ngã tư xóm chợ về chiều càng xác xơ, heo hút. Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết.

Câu 4: Phân tích những đặc điểm của ngôn ngữ nói được ghi lại trong đoạn trích sau:

Chủ tâm hắn cũng chẳng có ý chòng ghẹo cô nào, nhưng mấy cô gái lại cứ đẩy vai cô ả này ra với hắn, cười như nắc nẻ:

– Kìa anh ấy gọi! Có muốn ăn cơm trắng mấy giò thì ra đẩy xe bò với anh ấy! Thị cong cớn:

– Có khối cơm trắng mấy giò đấy! Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy?

Tràng ngoái cổ lại vuốt mồ hôi trên mặt cười:

– Thật đấy, có đẩy thì ra mau lên!

Thị vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng.

– Đã thật thì đẩy chứ sợ gì, đằng ấy nhỉ. – Thị liếc mắt, cười tít.

Câu 5: Hãy khái quát về giao tiếp và hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ. 

Câu 6: Tìm trong văn bản Chí Phèo những đoạn có sự cộng hưởng giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.

 


Câu 1: 

Đặc điểm của ngôn ngữ nói trong đoạn trích:

– Có sự luân phiên lượt lời

– Sử dụng lớp từ mang tính khẩu ngữ: thế mà, chả, này, thì, đấy, nhá, sợ gì,…

– Cách nói mang tính khẩu ngữ: có … gì thì …, muốn … gì thì …, ừ … thì … sợ gì, … thì bỏ bố, làm đếch gì có,…

- Ngữ điệu:

+ Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt: cười chê, khích tướng

+ Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu: tỏ vẻ không thích

+ Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì: tỏ vẻ thích thú

– Điệu bộ, cử chỉ: cười, đon đả

Câu 2: 

Đặc điểm của ngôn ngữ nói trong đoạn trích:

– Có sự luân phiên lượt lời

– Sử dụng lớp từ mang tính khẩu ngữ: ơi, đấy thôi, chưa biết chừng, nào, đi, cứ, có cái gì,…

– Sử dụng câu tỉnh lược: Về bao giờ thế?, Lại say rồi phải không?,…

– Sử dụng câu mệnh lệnh: Nào đứng lên đi.; Cứ vào đây uống nước đã.;…

– Giọng điệu: quát mắng, nhỏ nhẹ, thân mật, nặng lời, phàn nàn,…

Câu 3: 

Đặc điểm của ngôn ngữ viết trong đoạn trích:

– Sử dụng từ chọn lọc, không mang tính khẩu ngữ nhằm hướng tới tái hiện cảnh ngày đói.

– Có những câu dài, nhiều thành phần nhưng được tổ chức mạch lạc, chặt chẽ.

– Cấu trúc câu đảm bảo quy tắc ngữ pháp. Đoạn trích đảm bảo yêu cầu về mặt hình thức.

Câu 4

Để phân tích đặc điểm của ngôn ngữ nói trong đoạn trích, cần chú ý: – Các từ hồ gọi trong lời nhân vật: Kìa; Này, ... ơi; ... nhỉ,..

– Các từ tình thái trong lời nhân vật: Có khối... đấy, đấy, Thật đấy,...

– Các kết cấu câu trong ngôn ngữ nói: Có... thì, Đã... thì...

– Các từ ngữ thường dùng trong ngôn ngữ nói: mấy (giò), có khối, nói khoác, sợ gì, đằng ấy,...

– Sự phối hợp giữa lời nói và cử chỉ: cười như nắc nẻ, cong cớn, liếc mắt, cười tít,...

Câu 5: 

– Để xã hội tồn tại và phát triển, con người cần phải giao tiếp.

– Con người có thể giao tiếp bằng nhiều loại phương tiện khác nhau (điệu bộ, kí hiệu, hình vẽ, âm nhạc, v.v.). Trong đó, ngôn ngữ được coi là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất.

– Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ là một trong những hoạt động cơ bản của con người. Hoạt động này bao gồm hai quá trình: tạo lập văn bản và lĩnh hội văn bản. Tạo lập văn bản chính là nói hoặc viết để truyền đạt thông tin. Lĩnh hội văn bản chính là nghe hoặc đọc để tiếp nhận thông tin.

– Có thể thấy trong văn bản có hai loại thông tin chính: thông tin miêu tả và thông tin liên cá nhân. Thông tin miêu tả là những thông tin về một đối tượng, một thế giới nào đó, hiện thực hoặc tưởng tượng. Còn thông tin liền cá nhân là những thông tin thể hiện quan hệ giữa những người tham gia giao tiếp, được thể hiện kèm theo thông tin miêu tả. Trong giao tiếp, hai loại thông tin này đều quan trọng. Tuy nhiên, tuỳ theo tình huống giao tiếp cụ thể mà loại thông tin này hoặc loại thông tin kia có thể trội hơn, đóng vai trò chính. Chẳng hạn, đối với một bản tin dự báo thời tiết thì thông tin miêu tả là quan trọng, nhưng đối với câu chuyện giữa hai người mới quen nhau ở bến đợi xe buýt thì thông tin liên cá nhân thường quan trọng hơn, trong trường hợp này, người ta nói về thời tiết, về sự kiện A, sự kiện B,... có thể cốt chỉ để thể hiện một sự quan tâm đến nhau, muốn gây thiện cảm với nhau.

Câu 6: 

Một số đoạn trong văn bản Chí Phèo có sự cộng hưởng giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết:

1) Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì nó có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng

vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết...

2) Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hơn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!

3) Hắn về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều. Rồi say khướt, hắn xách một cái vỏ chai đến cổng nhà bá Kiến, gọi tận tên tục ra mà chửi. Cụ bá không có nhà. Thấy bộ điệu hung hăng của hắn, bà cả đùn bà hai, bà hai thúc bà ba, bà ba gọi bà tư, nhưng kết cục chẳng bà nào dám ra nói với hắn một vài lời phải chăng. Mắc cái phải cái thằng liều lĩnh quá, nó lại say rượu, tay nó lại nhăm nhăm cầm cái vỏ chai, mà nhà lúc ấy toàn đàn bà cả... Thôi thì cứ đóng cái cổng cho thật chặt rồi mặc thay cha nó, nó có chửi thì tai liền miệng đấy, chửi rồi lại nghe! Thành thử chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu!... Thật là ầm ĩ! Hàng xóm phải một bữa điếc tai, nhưng có lẽ trong bụng thì họ hả: xưa nay họ mới chỉ được nghe bà cả, bà hai, bà ba, bà tư nhà cụ bá chửi người ta, bây giờ họ mới được nghe người ta chửi lại cả nhà cụ bá. Mà chửi mới sướng miệng làm sao! Mới ngoa ngoắt làm sao! Họ bảo nhau: “Phen này cha con thằng bá Kiến đố còn dám vác mặt đi đâu nữa! Mồ mả tổ tiên đến lộn lên mất”. Cũng có người hiền lành hơn thì bảo: “Phúc đời nhà nó, chắc ông lí không có nhà...”. Ông lí đây là ông lí Cường, con giai cụ bá nổi tiếng là hách dịch, coi người như rơm như rác. Phải ông lí Cường thử có nhà xem nào! Quả nhiên họ nói có sai đâu! Đấy, có tiếng người sang sảng quát: “Mày muốn lôi thôi gì?... Cái thằng không cha không mẹ này! Mày muốn lôi thôi gì?...”. Đã bảo mà! Cái tiếng quát tháo kia là tiếng lí Cường. Lí Cường đã về! Lí Cường đã về! Phải biết... A ha! Một cái tát rất kêu. Ôi! Cái gì thế này? Tiếng đấm, tiếng đá nhau bình bịch. Thôi, cứ gọi là tan xương! Bỗng “choang” một cái. Thôi, phải rồi, hắn đập cái chai vào cột cổng... Ô hắn kêu! Hắn vừa chửi vừa kêu làng như bị người ta cắt họng. Ồ hắn kêu!


Bình luận

Giải bài tập những môn khác