Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 11 cánh diều bài 3: Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

1. NHẬN BIẾT (6 câu)

Câu 1: Hãy nêu khái niệm và đặc điểm của ngôn ngữ nói.

Câu 2: Hãy nêu khái niệm và đặc điểm của ngôn ngữ viết

Câu 3: Dưới đây là một trích đoạn trong cuộc trò chuyện giữa phóng viên và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư:

– Chị thích điều gì nhất ở con người?

– Chà, câu hỏi này mênh mông ghê. Tôi thích nụ cười nở trên gương mặt của một con người có tấm lòng nhân hậu. Nhiêu đó đủ rồi.

Đặc điểm nổi bật nào của ngôn ngữ nói được thể hiện trong đoạn trích?

Câu 4: Cho đoạn trích sau:

Tiếng trống thành phủ gần đấy đã bắt đầu thu không. Trên bốn chòi canh, ngục tốt cũng bắt đầu điểm vào cái quạnh quẽ của trời tối mịt, những tiếng kiểng và mõ đều đặn thưa thớt. Lướt qua cái thăm thẳm của nội cỏ đẫm sương, vắng từ một làng xa đưa lại mấy tiếng chó cắn ma. Trong khung cửa sổ có nhiều con song kẻ những nét đen thẳng lên nền trời lốm đốm tinh tú, một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn trụt xuống phía chân trời không định. Tiếng dội chó sủa ma, tiếng trống thành phủ, tiếng kiểng mõ canh nổi lên nhiều nhiều. Bấy nhiêu thanh âm phức tạp bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ.

Đặc điểm của ngôn ngữ viết được thể hiện như thế nào trong đoạn trích trên?

Câu 5: Cần lưu ý gì trong việc sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết? Cho ví dụ.

Câu 6: Sự cộng hưởng giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết trong văn bản nghệ thuật tạo ra hiện tượng gì? Cho ví dụ.


Câu 1: 

– Ngôn ngữ nói là lời nói sử dụng trong giao tiếp hằng ngày; thể hiện thái độ, phản ứng tức thời của người nói và người nghe. Vì vậy, ngôn ngữ nói thường có những đặc điểm cơ bản sau:

+ Đa dạng về ngữ điệu (gấp gáp, chậm rãi; to, nhỏ;...), góp phần thể hiện trực tiếp tình cảm, thái độ của người nói.

+ Thường sử dụng khẩu ngữ, từ địa phương, tiếng lóng, trợ từ, thán từ, từ ngữ chêm xen, đưa đẩy,...

+ Thường sử dụng cả câu tỉnh lược và câu có yếu tố dư thừa, trùng lặp. Câu tỉnh lược thường được dùng để lời nói ngắn gọn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, câu lại chứa nhiều yếu tố dư thừa, trùng lặp (do người nói vừa nghĩ vừa nói, không có điều kiện gọt giũa hoặc do người nói muốn lặp lại để giúp người nghe có thời gian lĩnh hội thấu đáo nội dung giao tiếp).

+ Kết hợp với các phương tiện phi ngôn ngữ như: nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ,...

– Lưu ý:

+ Nói và đọc (thành tiếng) một văn bản là khác nhau. Đọc (thành tiếng) bị lệ thuộc vào văn bản viết. Dù vậy, người đọc vẫn có thể tận dụng những ưu thế của ngôn ngữ nói như ngữ điệu, các phương tiện phi ngôn ngữ để làm cho phần đọc diễn cảm hơn.

+ Ngôn ngữ nói có thể được ghi lại bằng chữ viết, chẳng hạn như đoạn đối thoại của các nhân vật trong văn bản truyện, cuộc phỏng vấn trong một bài báo,...

Câu 2: 

– Ngôn ngữ viết là ngôn ngữ được thể hiện bằng chữ viết trong văn bản và được tiếp nhận bằng thị giác. Khi viết, người viết có điều kiện chọn lọc các phương tiện ngôn ngữ; còn khi đọc, người đọc có điều kiện suy ngẫm, phân tích kĩ lưỡng. Vì vậy, ngôn ngữ viết có những đặc điểm cơ bản sau:

+ Được thể hiện bằng chữ viết, hệ thống dấu câu, các kí hiệu văn tự.

+ Sử dụng từ ngữ chọn lọc, phù hợp với từng phong cách; tránh sử dụng khẩu ngữ và từ ngữ địa phương.

+ Có thể sử dụng câu dài, nhiều thành phần nhưng được tổ chức mạch lạc, chặt chẽ.

+ Có thể kết hợp các phương tiện phi ngôn ngữ như hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ,....

– Lưu ý: Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ viết có thể được trình bày lại bằng lời nói, chẳng hạn như trường hợp thuyết trình một vấn đề đã chuẩn bị, trình bày bài phát biểu đã soạn trước,... Trong các trường hợp này, lời nói tận dụng được những ưu thế của ngôn ngữ viết đồng thời vẫn có sự phối hợp với các phương tiện phi ngôn ngữ làm tăng hiệu quả biểu đạt.

Câu 3: 

– Trong câu trả lời của Nguyễn Ngọc Tư, có những phương tiện ngôn ngữ đặc trưng của ngôn ngữ nói, đó là các từ cảm thán như “chà”, “ghê” hay từ địa phương như “nhiêu”.

Câu 4: 

– Trong đoạn văn trên, nhà văn Nguyễn Tuân đã rất dụng công trong việc trau chuốt từ ngữ và cấu trúc câu để gợi ra một không khí truyện cổ xưa, trang trọng, chuẩn bị cho một sự kiện đặc biệt sắp xảy đến. Câu văn dài, nhịp điệu chậm rãi, có những cách diễn đạt khá cầu kì: “Trên bốn chòi canh, ngục tốt cũng bắt đầu điểm vào cái quạnh quẽ của trời tối mịt”, “Lướt qua cái thăm thẳm của nội cỏ đẫm sương”, “Bấy nhiêu thanh âm phức tạp bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ”. Các chi tiết về ánh sáng, bóng tối, âm thanh hô ứng với nhau, như một cảnh trong phim.

Câu 5: 

- Tuỳ hoàn cảnh và mục đích giao tiếp, chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ viết. Nhưng nếu đã sử dụng ngôn ngữ ở dạng nào thì cần đảm bảo sự nhất quán trong cách dùng từ ngữ, đặt câu phù hợp với dạng đó. Tình trạng lạc phong cách (dùng các phương tiện đặc trưng của ngôn ngữ nói cho văn bản viết và ngược lại) là điều cần tránh, ví dụ như trường hợp dưới đây:

“Chí Phèo là truyện ngắn đỉnh nhất của Nam Cao. Tác phẩm đã miêu tả quá ư chân thực tâm lí của người nông dân trong xã hội cũ.”

Trong ví dụ trên, người viết đã mắc lỗi phong cách khi sử dụng những từ ngữ mang đậm tính khẩu ngữ: “đỉnh”, “quá ư”.

Câu 6: 

- Sự cộng hưởng giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết trong văn bản nghệ thuật tạo ra một số hiện tượng đặc biệt về lời văn như lời nửa trực tiếp (lời của người kể chuyện nhưng tái hiện ý thức, giọng điệu của nhân vật), lời độc thoại nội tâm (tái hiện tiếng nói bên trong các nhân vật), lời nhại (lời trần thuật mô phỏng quan điểm, ý thức của nhân vật với chủ ý mỉa mai hay bông đùa),... Ví dụ:

“Bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà? Ai thế nhỉ?”

Đoạn văn miêu tả tâm lí bà cụ Tứ trên đây có sự xuất hiện của nhiều câu văn mang hình thức lời nửa trực tiếp. Lời của người kể chuyện nương theo ý thức của nhân vật, tái hiện những “tiếng nói” đang vang lên trong nhân vật. Một số cách diễn đạt mang dấu ấn của khẩu ngữ được bảo lưu trong lời kể: Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ?; Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà?...

- Khả năng miêu tả ngôn ngữ gắn liền với những đặc điểm cá thể của nhân vật (xuất thân, địa phương, môi trường sống, tầng lớp xã hội,..) là một bước tiến của tự sự hiện đại.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác