Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Ngữ văn 11 cánh diều bài 2: Biện pháp tu từ đối

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đối trong đoạn thơ dưới đây:

Một mình nương ngọn đèn khuya,

Áo dầm giọt lệ tóc se mái sầu:

“Phận dầu dầu vậy cũng dầu,

Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời!

Công trình kể biết mấy mươi,

Vì ta khăng khít cho người dở dang.”

Câu 2: Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đối trong đoạn thơ dưới đây:

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

Câu 3: Hãy nhận xét về phép đối trong những trường hợp sau:

- Chim có tổ, người có tông.

- Đói cho sạch, rách cho thơm.

- Người có chí ắt phải nên, nhà có nền ắt phải vững.

Câu 4: Hãy nhận xét về phép đối trong ngữ liệu sau:

Tiên học lễ: diệt trò tham nhũng,

Hậu hành văn: trừ thói cửa quyền.

Câu 5: Phân tích tác dụng của phép đối trong những câu sau:

a)

Khúc sông bên lở bên bồi

Bên lở thì đục, bên bồi thì trong.

b)

Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao

Mặt tơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.

  1. c) Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;

chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.

Việc cuốc, việc cày, việc bùa, việc cấy, tay vốn quen làm;

tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.


Câu 1:

- Biện pháp tu từ đối có trong đoạn thơ:

+ Áo – tóc, dầm – se, giọt lệ – mái sầu

+ Ta – người, khăng khít – dở dang

- Tác dụng: Tăng nhạc điệu, đối xứng cho câu thơ đồng thời nhấn mạnh cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Câu 2:

- Biện pháp tu từ đối có trong đoạn thơ:

+ Người về - kẻ đi, chiếc bóng – một mình

+ Nửa in gối chiếc – nửa soi dặm trường

- Tác dụng: Tạo nhịp điệu, tăng tính đối xứng, hài hoà; nhấn mạnh vào sự tương phản để truyền tải được nhiều nội dung.

Câu 3: 

- Phép đối được thể hiện trong các câu:

+ Chim – người, có – có, tổ - tông

+ Đói – rách, cho – cho, sạch – thơm.

+ Người có chí – nhà có nền, ắt phải nên - ắt phải vững.

- Nhận xét: Trong những ngữ liệu này, mỗi câu bao gồm hai vế, các vế đó đối nhau về số tiếng, về từ loại (danh từ, động từ,…), về cấu tạo từ (từ đơn, từ phức), về nghĩa của mỗi từ và lặp lại kết cấu ngữ pháp của mỗi vế.

Câu 4: 

- Phép đối được thể hiện trong các câu:

+ Tiên – hậu, học – hành, lễ - văn, diệt – trừ, trò – thói, tham nhũng – cửa quyền.

- Nhận xét: Trong ngữ liệu này, phép đối diễn ra giữa hai dòng: dòng trên và dòng dưới, cũng theo quy tắc đối từng từ về đặc điểm từ loại, về nghĩa và lặp lại kết cấu ngữ pháp.

Câu 5:

  1. a) Phép đối diễn tả sự tương phản giữa bên lở và bên bồi của một khúc sông.

  2. b) Phép đối có tác dụng làm tăng mức độ của đêm khuya và trạng thái nhớ thương, buồn bã trong lòng người xa cách.

  3. c) Phép đối có ở từng cặp câu văn tế; ở mỗi cặp, diễn tả sự đối lập giữa công việc làm ruộng quen thuộc hằng ngày với việc quân cơ chiến trận xa lạ đối với người nông dân Cần Giuộc.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác