Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 8 cánh diều bài 1: Gió lạnh đầu mùa

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Gió lạnh đầu mùa” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Câu 2: Hãy trình bày một số thông tin cơ bản về tác giả Thạch Lam.

Câu 3: Hãy tóm tắt nội dung chính của truyện “Gió lạnh đầu mùa”. Xét về cốt truyện, văn bản “Gió lạnh đầu mùa” (Thạch Lam) và “Tôi đi học” (Thanh Tịnh) có gì giống nhau?

Câu 4: Những chi tiết nào trong truyện giúp em hình dung ra bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông? Bối cảnh ấy cho em biết gì về cuộc sống được miêu tả trong truyện?

Câu 5: Chỉ ra các câu văn miêu tả suy nghĩ, cảm xúc của Sơn khi nghe mẹ và vú già trò chuyện về chiếc áo bông cũ của em Duyên; khi Sơn nhớ ra cuộc sống nghèo khổ của mẹ con Hiên. Những suy nghĩ, cảm xúc ấy giúp em cảm nhận được gì về nhân vật này?


Câu 1: 

- Tác giả: Thạch Lam

- Thể loại: Truyện ngắn

- Nội dung: Qua việc thương cảm và sẻ chia của ba mẹ con nhà Sơn với hai mẹ con nhà Hiên, truyện đã vẽ lên một bức tranh ngày đầu đông giá rét ở vùng quê nghèo nhưng tấm lòng con người đã làm cho mọi thứ trở nên ấm áp hơn.

Câu 2: 

- Thạch Lam (1910 – 1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sinh ra ở Hà Nội, lúc nhỏ sống ở quê ngoại – phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

- Ông sáng tác ở nhiều thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, tuỳ bút,...) song thành công nhất vẫn là truyện ngắn.

- Truyện ngắn của Thạch Lam giàu cảm xúc, lời văn bình dị và đậm chất thơ. Nhân vật chính thường là những con người bé nhỏ, cuộc sống nhiều vất vả, cơ cực mà tâm hồn vẫn tinh tế, đôn hậu. Tác phẩm của Thạch Lam ẩn chứa niềm yêu thương, trân trọng đối với thiên nhiên, con người, cuộc sống.

- Các tập truyện ngắn tiêu biểu của Thạch Lam: Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc,…

Câu 3:

Tóm tắt:

          Mùa đông đột ngột đến với phố chợ nghèo khiến cho Sơn không muốn dậy ngay. Mẹ Sơn thấy thế bảo chị Lan lấy quần áo ra cho Sơn mặc. Nhân thể, mẹ cho Sơn và Lan xem chiếc áo bông cũ của em Duyên, đứa em gái của Lan và Sơn đã mất từ lúc bốn tuổi. Chuyện này làm mọi người xúc động thoáng chốc. Sau khi mặc áo ấm, Sơn và chị ra ngoài chơi với những đứa trẻ ở gần đó. Thấy Hiên không có áo để mặc trong ngày đông giá rét, Sơn và chị đã về lấy cho Hiên cái áo bông cũ. Sơn và chị sau đó phải đi tìm Hiên để đòi lại áo nhưng không thấy, khi về đến nhà thì mẹ con Hiên đã ở đó để trả lại áo. Mẹ Sơn có chút quở trách chị em Sơn vì chưa xin phép mà đã tự ý lấy đồ đi cho người khác nhưng cũng vui vì chị em Sơn biết thương người.

=> Xét về cốt truyện, văn bản “Gió lạnh đầu mùa” và “Tôi đi học” có điểm giống nhau là đều có cốt truyện đơn giản, nói về cuộc sống đời thường.

Câu 4:

- Những chi tiết nêu lên bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông:

+ “Không phải ngày phiên nên chợ vắng không. Mấy cái quán chơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề. Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh, và cay mắt.”

+ “Mặt đất rắn lại và nứt nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên lanh tanh dưới nhịp guốc của hai chị em.”

+ “Đến cuối chợ đã thấy lũ trẻ đang quây quần chơi nghịch. Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng xa, không dám vồ vập. Chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy.”

+ Hiên vẫn đứng dựa vào cột quán trong khi mọi người đến chỗ chị em Sơn chơi.

=> Bối cảnh ấy cho ta thấy rằng cuộc sống của những người trong truyện khó khăn, nghèo khổ.

Câu 5: 

- Khi nghe mẹ và vú già nói chuyện, “Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá” và hiểu nỗi lòng của mẹ: “Sơn thấy mẹ hơi rơm rớm nước mắt”; khi nhớ ra cảnh sống nghèo khổ của gia đình Hiên, “Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên...”

=> Những ý nghĩ ấy cho thấy Sơn là một cậu bé sống rất tình cảm, giàu lòng trắc ẩn, biết quan tâm và yêu thương người thân, bạn bè.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác