Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 11 kết nối bài 1: Chí Phèo (Nam Cao)

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày một số hiểu biết của em về văn bản Chí Phèo (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Câu 2: Trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Nam Cao.

Câu 3: Hãy nêu chủ đề của tác phẩm Chí Phèo.

Câu 4: Văn bản có thể chia thành mấy phần? Nêu ý chính của từng phần.

Câu 5: Nhan đề đầu tiên của truyện ngắn này là Cái lò gạch cũ, nhưng khi in thành sách, nhà xuất bản tự ý đổi thành Đôi lứa xứng đôi; mãi đến năm 1946, tác giả mới đặt lại là Chí Phèo. Hãy nhận xét hai cái tên đầu tiên.

 


Câu 1: 

– Tác giả: Nam Cao

– Thể loại: Truyện ngắn hiện đại

– Truyện ngắn Chí Phèo được xây dựng dựa trên một số nguyên mẫu tại làng Đại Hoàng. Tác phẩm vốn có tên là Cái lò gạch cũ. Năm 1941, khi Nhà xuất bản Đời mới tại Hà Nội in một tập truyện ngắn riêng của Nam Cao, người viết lời tựa cho cuốn sách là nhà văn Lê Văn Trương đã đổi tên tác phẩm này thành Đôi lứa xứng đôi và lấy nó làm tên chung cho cả tập. Khi đưa in lại trong tập Luống cày (Hội Văn hoá cứu quốc Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1945), nhà văn đã đặt tên mới cho tác phẩm là Chí Phèo.

– Nội dung: Chí Phèo là một kiệt tác của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Qua truyện ngắn này, Nam Cao khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng: một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hoá, lưu manh hoá. Nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cá thể xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời, khẳng định bản chất lương thiện của họ, ngay trong khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình, nhân tính. Chí Phèo là một tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ.

 

Câu 2:

– Nam Cao (1917 – 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri (có tài liệu chép là Trần Hữu Trí), quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông từng làm nhiều nghề để kiếm sống: dạy trường tư, làm gia sư, viết văn,... Đề tài sáng tác của Nam Cao thường xoay quanh đời sống cơ cực của người nông dân và các bi kịch của tầng lớp trí thức nghèo ở thành thị. Sau Cách mạng, ông tích cực tham gia các hoạt động báo chí, văn nghệ phục vụ cuộc sống mới, thường viết về những chuyển biến trong nhận thức và hành động của nhiều tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong một chuyến công tác ở vùng địch tạm chiếm thuộc tỉnh Ninh Bình, Nam Cao rơi vào ổ phục kích của địch và hi sinh.

– Nam Cao khẳng định vị trí trong lịch sử văn học bằng thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Bộ phận sáng của ông được xem là một dấu mốc quan của văn hiện thực chủ nghĩa, giàu tính khái quát triết lí và tinh thần nhân đạo. Ông rất chú trọng diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật, xây dựng các tính cách phức tạp, thực hiện nhiều đột phá trong nghệ thuật tự sự với lối trần thuật phối hợp nhiều điểm nhìn, giọng điệu; với cách kết cấu linh hoạt; cách sử dụng ngôn ngữ sinh động, vừa gần gũi với ngôn ngữ giao tiếp đời thường, vừa giàu suy tưởng. Những tác phẩm tiêu biểu của ông: Chí Phèo (truyện ngắn, 1941), Giăng sáng (truyện ngắn, 1942), Lão Hạc (truyện ngắn, 1943), Đời thừa (truyện ngắn, 1943), Truyện người hàng xóm (tiểu thuyết, 1944), Sống mòn (tiểu thuyết, 1944), Đôi mắt (truyện ngắn, 1948), Ở rừng (nhật kí, 1947 – 1948),...

 

Câu 3: 

– Qua tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao tố cáo mạnh mẽ xã hội thực dân nửa phong kiến tàn bạo đã cướp đi của người nông dân lương thiện cả nhân hình lẫn nhân tính. Đồng thời nhà văn cũng trân trọng phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của những con người này ngay khi tưởng chừng họ đã bị biến thành quỷ dữ.

 

Câu 4: 

Có thể chia văn bản thành 6 phần:

– Phần 1 (Từ đầu đến Lược một đoạn): Chí Phèo say rượu "vừa đi vừa chửi"

– Phần 2 (Từ “Hắn về lớp này trông khác hẳn” đến Lược một đoạn): Chí Phèo ở tù về, đến nhà bá Kiến rạch mặt ăn vạ

– Phần 3 (Từ “Khi Chí Phèo mở mắt” đến “hãy dừng yêu để hỏi cô thị đã”): Chí Phèo thức tỉnh, sống trong tình yêu và sự săn sóc của thị Nở

– Phần 4 (Từ “Thấy thị hỏi” “lúc ra đi chúng định làm”): Thị Nở từ chối Chí Phèo

– Phần 5 (Từ “Trời nắng lắm, nên đường vắng” đến “thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra”): Chí Phèo tuyệt vọng, uất ức đi đòi lương thiện, giết bá Kiến và tự kết liễu đời mình

– Phần 6: (Từ “Cả làng Vũ Đại nhao lên” đến hết): Cảnh xôn xao của làng Vũ Đại và hình ảnh thoáng hiện cái lò gạch cũ.

 

Câu 5:

– Đặt tên truyện là Cái lò gạch cũ, phải chăng tác giả muốn nói đến sự luẩn quẩn bế tắc, gắn với hình ảnh Chí Phèo ở đầu truyện, khi còn là thằng bé đỏ hỏn được cuốn trong một cái váy đụp vứt ở cái lò gạch bỏ hoang và hình ảnh cuối truyện: Thị Nở sau khi nghe tin Chí Phèo đâm chết bá Kiến và tự sát một cách khủng khiếp đã nhớ lại những lúc gần gũi với hắn và nhìn nhanh xuống bụng rồi thoáng thấy hiện ra cái lò gạch cũ bỏ không ở nơi vắng người lại qua ? Có thể sẽ có một Chí Phèo con ra đời cũng ở cái lò gạch ấy để "nối nghiệp" bố. Như vậy Cái lò gạch cũ như là biểu tượng về sự xuất hiện tất yếu của hiện tượng Chí Phèo, gắn liền với tuyến chủ đề chính của tác phẩm.

– Còn nhan đề Đôi lứa xứng đôi thì hướng sự chú ý vào Chí Phèo và thị Nở – một con "quỷ dữ của làng Vũ Đại" mặt mũi bị "vằn dọc vằn ngang" và một mụ đàn bà xấu "ma chê quỷ hờn". Cách đặt tên Đôi lứa xứng đôi là rất giật gân, gây sự tò mò, phù hợp với thị hiếu của một lớp công chúng bấy giờ.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác