Trình bày quan niệm về lũ lụt ở nước ta

Câu hỏi: Dựa vào thông tin trong bài, hãy:

- Trình bày quan niệm về lũ lụt ở nước ta.

- Xác định những khu vực thường xảy ra lũ lụt ở Việt Nam.

- Phân tích nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng, chống lũ lụt.


* Quan niệm 

Lũ là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định, sau đó hạ xuống. Ngập lụt là hiện tượng mặt đất bị ngập nước do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ, triều cường, nước biển dâng

* Nơi thường xảy ra 

- Lũ quét thường xảy ra ở vùng núi của nước ta, đặc biệt tại vùng núi phía Bắc, Trường Sơn Bắc, Trường Sơn Nam.

- Lũ thường xảy ra ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai và Đồng bằng sông Cửu Long với mùa lũ từ tháng 7 đến tháng 11.

- Ngập lụt thường xảy ra ở đồng bằng hạ lưu các sông chính ở nước ta, có 3 vùng rõ rệt: Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng các đồng bằng ven biển miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long

* Nguyên nhân 

- Nước ta có lượng mưa lớn và thường tập trung vào một khoảng thời gian trong năm, kết hợp với điều kiện lưu vực sông, suối miền núi có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, trong khi lớp phủ thực vật bị mất sẽ dễ dẫn đến lũ.

- Mưa bão lớn, lũ tập trung trong các hệ thống sông có thể gây ngập lụt trên diện rộng ở những nơi có địa hình thấp. Nếu có triều cường xảy ra cũng làm cho tình trạng ngập lụt trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là những nơi có mật độ xây dựng cao.

* Hậu quả 

Ở nước ta, lũ lụt diễn ra phổ biến ở nhiều nơi như: Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long,... Thiệt hại do lũ lụt ở Việt Nam thuộc vào loại lớn trên thế giới. Nhìn chung, lũ lụt đã gây ra hậu quả nặng nề về người, nhà ở, công trình giao thông, thuỷ lợi, sản xuất kinh tế, ô nhiễm nguồn nước,...

* Biện pháp phòng chống

- Thực hiện tốt công tác dự báo bão.

- Sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân.

- Di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thuỷ sản trên biển, ven biển, trên sông ra khỏi khu vực nguy hiểm; hướng dẫn tàu thuyền thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn.

- Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng.

- Chống bão kết hợp với chống lụt, úng ở đồng bằng và chống lũ, chống xói mòn ở miền núi.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác