Dựa vào hình 3.6, thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, hãy trình bày khái quát tình hình phát triển làng nghề ở nước ta

II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ 

Câu hỏi: Dựa vào hình 3.6, thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, hãy trình bày khái quát tình hình phát triển làng nghề ở nước ta.


Đến năm 2020, cả nước có hơn 4 500 làng nghề, trong đó có 1951 làng nghề được công nhận (với gần 900 làng nghề truyền thống).

Nước ta có đến 70% làng nghề sản xuất ở quy mô nhỏ. Các làng nghề có quy mô sản xuất lớn về lao động, mặt bằng thường là các làng nghề gắn với sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ, sản xuất sinh vật cảnh, sản xuất muối,..

Các làng nghề ở nước ta phong phú về ngành nghề, đa dạng về sản phẩm. Các sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Một số sản phẩm nghề truyền thống đã gia tăng giá trị nhờ tham gia vào Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Nguồn nguyên liệu chính cho các làng nghề thường có sẵn ở địa phương hoặc khu vực lân cận như nguồn nông sản, lâm sản, thuỷ sản, đất sét,...

Hiện nay, phần lớn các làng nghề sử dụng máy móc sản xuất thô sơ, công nghệ cũ. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề đã áp dụng kĩ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại ở một số công đoạn trong quy trình sản xuất. Nhờ vậy, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng của sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

Du lịch làng nghề ngày càng phát triển khắp cả nước, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho địa phương. Nhiều làng nghề đã được các doanh nghiệp lữ hành đưa vào khai thác trong các chương trình du lịch như: làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Nội), làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam), làng nghề gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương), làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), làng sản xuất nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang),...

Thời gian gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cũng được các làng nghề, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp quan tâm. Một số hoạt động cụ thể như: Tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm làng nghề; Xuất bản các ấn phẩm về làng nghề dưới các hình thức như sách, báo, tờ gấp, bảng tuyên truyền,...; Xây dựng các khu trình diễn, phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm của làng nghề;...

Các làng nghề ở nước ta tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc (chiếm khoảng 60% số lượng làng nghề), nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Một số tỉnh, thành phố có nhiều làng nghề là Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp,...


Bình luận

Giải bài tập những môn khác