Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Địa lí 12 ctst bài 37: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo

3. VẬN DỤNG (4 CÂU)

Câu 1: Chứng minh rằng nước ta cần phải bảo vệ môi trường biển?

Câu 2: Chứng minh rằng vùng biển và các đảo, quần đảo nước ta có nguồn tài nguyên phong phú,đa dạng?

Câu 3: Chứng minh rằng Biển Đông có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cây dựng và bảo vệ Tổ quốc?

Câu 4: Em hãy đề xuất một số giải pháp, định hướng trong giải quyết các tranh chấp vùng biển – đảo ở Biển Đông?


Câu 1: 

Biển là môi trường sống của các loài sinh vật, chứa đựng nhiều tài nguyên quan trọng thúc đẩy cho các ngành kinh tế phát triển. Biển còn là không gian sản xuất của nhiều thế hệ người dân Việt Nam vùng ven biển và trên các đảo.

Nhìn chung, môi trường biển nước ta tương đối tốt nhưng đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực. Nguy cơ ô nhiễm có xu hướng tăng vì sự gia tăng của các nguồn ô nhiễm (nhất là nguồn thải từ đất liền), các hoạt động khai thác thiếu bền vững, sự cố môi trường biển,... làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước biển.

Vì vậy để đảm bảo các lợi ích lâu dài và bền vững, trở thành một quốc gia biển giàu mạnh, nước ta cần:

– Thường xuyên điều tra, giám sát, đánh giá hiện trạng môi trường biển; tăng cường năng lực và chủ động kiểm soát, xử lí các vấn đề môi trường biển;

– Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường biển;

– Hoàn thiện các công cụ, chế tài nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong kiểm soát và xử lí ô nhiễm môi trường biển.

Câu 2: 

Tài nguyên sinh vật biển: tài nguyên sinh vật biển của nước ta phong phú và đa dạng, với nhiều hệ sinh thái biển, ven biển cùng một số loài quý hiếm, có giá trị cao. Tiêu biểu là hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, rừng thường xanh trên các đảo, rạn san hô, thảm cỏ biển,... Về thành phần loài, vùng biển nước ta có hàng nghìn loài cá, giáp xác, nhuyễn thể; hàng nghìn loài rong biển, chim biển; trên đảo có nhiều loài sinh vật quý hiếm được bảo tồn trong các vườn quốc gia như Phú Quốc, Côn Đảo, Cát Bà,...

Tài nguyên khoáng sản: dầu mỏ và khí tự nhiên là tài nguyên quan trọng với trữ lượng vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ m³ khí. Năm 2021, nước ta đã xác định được 8 bể trầm tích dầu khí trên thềm lục địa và vùng biển của Việt Nam (bể Sông Hồng, Hoàng Sa, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Tư Chính – Vũng Mây, Trường Sa, Malay – Thổ Chu). Ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của nước ta đã phát hiện tiềm năng lớn về băng cháy. Bên cạnh đó, vùng biển nước ta có nhiều sa khoáng với trữ lượng đáng kể (ti-tan, đất hiếm, phốt-pho-rít (photphoric), cát thuỷ tinh) cùng các loại đồng, chì, kẽm,... phân bố ở đáy biển hoặc trong lòng đất dưới đáy biển. Nhiều đoạn bờ biển có điều kiện thuận lợi để sản xuất muối.

Tài nguyên du lịch: vùng biển - đảo nước ta có nhiều điều kiện để phát triển du lịch với đường bờ biển dài, bãi biển rộng (Sầm Sơn, Vũng Tàu,...), nhiều vịnh biển có phong cảnh đẹp (Hạ Long, Vân Phong,...), khí hậu mát mẻ. Các đảo và quần đảo của nước ta có giá trị du lịch cao như Phú Quốc, Cù lao Chàm, Cát Bà,...

Nước ta có vùng biển rộng, đường bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh kín gió, các khu vực nước sâu thuận lợi cho xây dựng cảng biển, cảng nước sâu. Vùng biển nước ta còn nằm trên đường hàng hải quốc tế nên giao thông đường biển có nhiều điều kiện để phát triển.

Ngoài ra, vùng biển nước ta có tiềm năng đáng kể về nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, thuỷ triều, sóng biển,…

Câu 3: 

Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở quá khứ, hiện tại và tương lai. Biển - đảo Việt Nam là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của đất nước; là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Biển Đông tạo điều kiện để Việt Nam phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như khai thác hải sản, khai thác dầu khí, giao thông vận tải biển, đóng tàu, du lịch,... Các đảo và quần đảo trong Biển Đông (đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam) có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng, vừa là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền vừa là hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới.

Câu 4: 

Để giải quyết các vấn đề tranh chấp vùng biển - đảo, Việt Nam và các nước trong khu vực cần tăng cường đối thoại và hợp tác nhằm duy trì hoà bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử của các Bên ở Biển Đông (COC) sẽ là giải pháp hiệu quả để duy trì sự ổn định, hoà bình và hữu nghị trong khu vực.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác