Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng cao Lịch sử 12 kntt bài 4: Sự ra đời và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

4. VẬN DỤNG CAO (5 CÂU)

Câu 1: Trong cuốn sách Kì diệu ASEAN – Chất xúc tác cho hòa bình, xuất bản vào dịp 50 năm thành lập tổ chức ASEAN (1967 – 2017), các tác giả cho rằng thành công của ASEAN là một điều kì diệu và thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi các khu vực đang phát triển khác noi sương sự thành công của ASEAN để tạo ra hòa bình, thịnh vượng. 

Theo em, vì sao ASEAN được đánh giá như một “điều kì diệu”?

Câu 2: Em hãy cho biết, ngoài các mục đích chính về sự thành lập của ASEAN, ASEAN còn hướng tới những điều gì?

Câu 3: Sau gần 60 năm ASEAN hình thành và phát triển, Việt Nam đã có những đóng góp gì để phát huy tích cực hơn nữa trách nhiệm của mình vào công cuộc phát triển chung của Cộng đồng ASEAN?

Câu 4: Hiện nay, ASEAN đứng trước nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn chưa từng gặp phải, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19. Theo em, đâu là “chìa khóa” để ASEAN vững tin vượt qua khó khăn này?

Câu 5: Trong tương lai, ASEAN sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như: nguy cơ lạm phát, suy thoái kinh tế, nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu,… Theo em, đâu là nền tảng để ASEAN vượt qua những thách thức này?


Câu 1: 

ASEAN được đánh giá như một “điều kì diệu”, bởi: 

- Thứ nhất, ASEAN đã xây dựng và duy trì được môi trường khu vực hòa bình, ổn định và an ninh trong nhiều thập kỷ. Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN.

- Thứ hai, ASEAN hiện nay là một cộng đồng với mức độ hợp tác, liên kết ngày càng sâu rộng trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội; trở thành một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới với GDP khoảng 3.300 tỷ USD (năm 2021) và là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, mang lại lợi ích thiết thực cho khoảng 680 triệu dân.

- Thứ ba, ASEAN là một tổ chức có uy tín và vị thế ngày càng cao, có quan hệ đối ngoại rộng mở, đóng vai trò trung tâm trong khu vực, được các đối tác, trong đó có tất cả các nước lớn, coi trọng, tăng cường hợp tác.

Câu 2: 

Ngoài các mục đích chính về sự thành lập của ASEAN, ASEAN còn hướng tới:

- Giúp đỡ lẫn nhau đào tạo và cung cấp phương tiện nghiên cứu trong các lĩnh vực giáo dục, chuyên môn, kĩ thuật và hành chính.

- Hợp tác có hiệu quả để khai thác tốt hơn thế mạnh kinh tế của nhau, mở rộng thương mại, thúc đẩy trao đổi hàng hóa giữa các nước, cải thiện hệ thống giao thông, liên lạc, nâng cao mức sống của người dân.

- Thúc đẩy việc nghiên cứu Đông Nam Á.

- Duy trì hợp tác chặt chẽ cùng có lợi với các tổ chức quốc tế và khu vực có tôn chỉ và mục đích tương đồng, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các tổ chức này.

Câu 3: 

Những đóng góp của Việt Nam để phát huy tích cực hơn nữa trách nhiệm vào công cuộc phát triển chung của Cộng đồng ASEAN: 

- Thứ nhất, tăng cường liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác, thúc đẩy thương mại và đầu tư, hướng tới phồn vinh chung, củng cố nền tảng vững chắc trong quan hệ giữa các quốc gia.

- Thứ hai, củng cố đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, là điều kiện tiên quyết cho hợp tác và phát triển.

- Thứ ba, lan tỏa văn hóa tham vấn, đối thoại, đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

- Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thời đại.

- Thứ năm, làm sâu sắc ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

- Thứ sáu, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc, “luật chơi” mới của khu vực và thế giới.

- Thứ bảy, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN, tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động, phối hợp của các cơ quan trong ASEAN, nâng cao cao tính hấp dẫn của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, bảo đảm các thủ tục và quy trình của ASEAN được tuân thủ, tôn trọng.

Câu 4: 

- Đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm gián đoạn các hoạt động của đời sống quốc tế. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trong năm Chủ tịch 2020, ASEAN đã thể hiện sự chủ động thích ứng, kịp thời chuyển các cuộc họp và các hoạt động sang hình thức trực tuyến, qua đó duy trì được đà hợp tác liên kết khu vực và các nỗ lực xây dựng Cộng đồng, cùng nhau ứng phó với đại dịch. 

- ASEAN đã nhanh chóng thông qua và triển khai các sáng kiến:

+ Thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19.

+ Thiết lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp.,

+ Đề xuất thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi…

→ Kịp thời huy động nguồn lực của ASEAN cũng như sự hỗ trợ của các đối tác cho công tác phòng chống dịch.

- Cùng với những nỗ lực ứng phó với COVID-19, ASEAN đã sớm thúc đẩy các biện pháp phục hồi sau đại dịch:

+ Xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN và kế hoạch triển khai nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch và thúc đẩy phục hồi toàn diện trong ASEAN.

+ Kí thỏa thuận về Khung hành lang đi lại ASEAN - đây là sáng kiến nhằm tạo thuận lợi cho đi lại vì mục đích công vụ và kinh doanh trong ASEAN, trong lúc dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát. 

→ Các biện pháp này đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần để các nước ASEAN vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa dần mở cửa trở lại, thúc đẩy hợp tác phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Câu 5: 

Nền tảng để ASEAN vượt qua những thách thức trong tương lai:

- Thứ nhất, những thành tựu đạt được trong gần 60 năm qua là cơ sở, nền tảng để ASEAN tiếp tục đẩy mạnh liên kết hợp tác, nâng cao thực lực và sức chống chọi với các tác động từ bên ngoài.

- Thứ hai, ASEAN đã có kinh nghiệm ứng xử với các khó khăn thách thức, gần đây nhất là đối phó với đại dịch COVID-19, xử lý cạnh tranh nước lớn và thúc đẩy phục hồi sau đại dịch… với những thành công ấn tượng.

- Thứ ba, ASEAN tiếp tục duy trì được đoàn kết, thống nhất bên trong và có được sự ủng hộ, hỗ trợ bên ngoài, từ các đối tác của ASEAN và cộng đồng quốc tế.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác