Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng cao Lịch sử 12 cd bài 13: Hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ năm 1975 đến nay

4. VẬN DỤNG CAO (2 CÂU)

Câu 1: Liên hệ hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ 1975 đến nay với hoạt động đối ngoại của một quốc gia Đông Nam Á khác (ví dụ: Thái Lan hoặc Indonesia). Những bài học nào có thể rút ra từ sự so sánh này cho chính sách đối ngoại của Việt Nam trong tương lai?

Câu 2: Em hãy chia sẻ hiểu biết của mình về việc Việt Nam tích cực hỗ trợ các quốc gia phòng; chống đại dịch Covid-19.


Câu 1: 

- Từ năm 1975 đến nay, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn quan trọng, từ việc tìm kiếm sự công nhận quốc tế sau chiến tranh, đến việc tham gia tích cực vào các tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam đã chủ động thiết lập mối quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia và gia nhập nhiều tổ chức quốc tế như ASEAN, APEC, và WTO.

- Ngược lại, Thái Lan, với một vị trí địa lý và lịch sử khác biệt, đã phát triển chính sách đối ngoại linh hoạt. Thái Lan tập trung vào việc duy trì quan hệ tốt với các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc, đồng thời phát triển vai trò của mình trong ASEAN như một trung tâm kinh tế và chính trị.

- Bài học cho chính sách đối ngoại của Việt Nam

Việt Nam có thể học hỏi từ Thái Lan về việc đa dạng hóa quan hệ với các quốc gia và khu vực khác nhau, nhằm bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế bền vững.

Việt Nam nên tiếp tục phát huy vai trò của mình trong ASEAN, không chỉ là thành viên tích cực mà còn là người dẫn dắt trong các vấn đề khu vực.

Việt Nam cần mở rộng và củng cố các mối quan hệ kinh tế, thương mại với các nước, đặc biệt là các đối tác lớn trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản, tương tự như cách Thái Lan đã làm.

Như Thái Lan, Việt Nam cũng cần duy trì một chính sách đối ngoại hòa bình, tôn trọng quyền lợi của các nước khác, đồng thời kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia.

Việt Nam cần linh hoạt trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại để đối phó với các thách thức mới như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, và đại dịch toàn cầu.

Câu 2: 

- COVID-19 là đại dịch nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh trên toàn cầu và diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Với truyền thống nhân ái, tương trợ, Việt Nam đã có những hỗ trợ tích cực, kịp thời dành cho các nước trong khu vực và trên thế giới trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh toàn cầu, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

- Để hỗ trợ các nước trong khu vực và trên thế giới vượt qua khó khăn ứng phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã có những hành động thiết thực, hỗ trợ tích cực nhiều thiết bị, vật tư y tế:

+ Với tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau, Việt Nam đã tặng hai nước Lào, Campuchia các trang thiết bị y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trị giá hơn 7 tỷ đồng cho mỗi nước.

+ Việt Nam tặng Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm; tặng Myanmar 50.000 USD để cùng chung sức phòng, chống COVID-19.

+ Để chia sẻ phần nào khó khăn mà đất nước Cuba anh em đang ứng phó với đại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba 5.000 tấn gạo.

- Đề cao tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống bệnh dịch toàn cầu, Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam thường xuyên có các cuộc điện đàm với các đối tác trên thế giới để cùng chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

+ Điện đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, trao đổi về hợp tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã và đang chủ trì trao đổi, tăng cường phối hợp về phòng, chống dịch giữa các nước ASEAN và ASEAN với các nước đối tác, trong đó có cơ chế ASEAN+3.

+ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Czech Andrej Babis, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven nhằm trao đổi về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 ở mỗi nước, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp hành động.

+ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư thăm hỏi tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli, Thủ tướng Vương quốc Anh và Bắc Ireland Boris Johnson, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, Thủ tướng Vương quốc Tây Ban Nha Pedro Sanchez.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã có các cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia.

=> Qua điện đàm, Việt Nam và các đối tác nhất trí cao về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong đối phó với dịch COVID-19 như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, sản xuất vắc-xin, trang thiết bị y tế, bảo hộ công dân, tăng cường khả năng kiểm soát đối với sự lây lan của dịch bệnh; đồng thời khẳng định sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác ứng phó với đại dịch, cả trên phương diện song phương và đa phương.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác