Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu địa lí 9 CTST bài 15: Duyên hải Nam Trung Bộ

2. THÔNG HIỂU (5 CÂU)

Câu 1: Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của vùng Bắc Trung Bộ?

Câu 2: Phân tích tình hình phát triển kinh tế biển đảo ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

Câu 3: Phân tích sự chuyển biến trong cơ cấu ngành kinh tế của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Câu 4: Phân tích sự chuyển biến trong phân bố kinh tế của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Câu 5: Tại sao vấn đề bảo vệ và phát triển rừng có tầm quan trọng đặc biệt ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ?


Câu 1:

Thuận lợi:

- Địa hình và đất: phía tây chủ yếu là đồi núi với đất feralit, thuận lợi trồng cây công nghiệp, trồng rừng; phía đông là dải đồng bằng nhỏ, hẹp bị chia cắt bởi các dãy núi đâm sát ra biển với đất phù sa và đất cát pha.

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với hai mùa mưa - khô rõ rệt. Đầu mùa hạ có gió Tây Nam khô nóng, đặc biệt khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, các tỉnh này có lượng mưa thấp nhất Việt Nam (695 mm/năm); mùa mưa vào mùa thu đông.

- Biển, đảo: có bờ biển dài, nhiều vũng vịnh nước sâu, nhiều đảo và quần đảo thuận lợi xây dựng các cảng biển; các bãi tắm đẹp như Non Nước, Mũi Né,… tạo ưu thế phát triển du lịch biển; vùng biển rộng, nhiều bãi tôm, bãi cá, có hai ngư trường là quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu, đầm phá lớn thuận lợi phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; dọc bờ biển có nhiều cánh đồng muối lớn như Sa Huỳnh, Cà Ná,…

- Nước: sông ngắn và dốc, có tiềm năng thủy điện và cung cấp nước cho sản xuất. Một số mỏ nước khoáng có giá trị như Vĩnh Hảo, Thạch Bích, Đảnh Thạnh,…

- Sinh vật: năm 2021, có hơn 2,4 triệu ha rừng, tỉ lệ che phủ khoảng 50,4%, đa dạng sinh học cao với nhiều vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển thế giới: sông Thanh, Cù lao Chàm, Núi Chúa,…

- Khoáng sản: gồm ti-tan (Bình Thuận), dầu khí (gần đảo Phú Quý, Bình Thuận), muối biển,… là cơ sở cung cấp nguyên liệu để phát triển công nghiệp.

Khó khăn:

Biến đổi khí hậu làm gia tăng các thiên tai như hạn hán và sa mạc hóa, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; đất dễ bị rửa trôi, ít thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Câu 2:

Kinh tế biển đảo:

+ Giao thông vận tải biển: tiềm năng phát triển giao thông vận tải biển gắn với các bến cảng biển tổng hợp như Quy Nhơn (cảng Bình Định); Vân Phong, Cam Ranh (Khánh Hòa);,… và dịch vụ biển với các trung tâm logistics, dịch vụ hỗ trợ, đóng tàu.

+ Du lịch biển: phát triển mạnh gắn với việc hình thành các khu du lịch, đô thị du lịch trọng điểm quốc gia như Khu du lịch biển tổng hợp Vân Phong - Đại Lãnh, Khu du lịch biển Phan Thiết - Mũi Né, du lịch biển Nha Trang,… TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa là hai địa phương đóng góp hơn 80% doanh thu du lịch toàn vùng (2021).

+ Hải sản: sản lượng khai thác chiếm gần 30% cả nước, số lượng tàu khai thác hải sản có công suất từ 90 CV trở lên đạt hơn 42% cả nước (2021). Các tỉnh có sản lượng khai thác lớn là Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận.  Nhiều địa phương phát triển nuôi tôm và con giống, hình thành các vùng chuyên canh nuôi trồng, chỉ riêng 4 tỉnh có diện tích nuôi trồng lớn nhất (Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) đã đạt hơn 16 nghìn ha (2021).

+ Khai thác khoáng sản biển: khai thác dầu thô, khí tự nhiên, cát, ti-tan, muối,… Tiềm năng khai thác băng cháy ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Câu 3:

Cơ cấu ngành kinh tế:

- Cơ cấu ngành kinh tế chuyển biến theo hướng giảm tỉ trọng các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; tăng tỉ trọng ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ; chú trọng phát triển kinh tế biển, đảo. Nội bộ các ngành kinh tế cũng có sự chuyển biến:

+ Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: chú trọng nông nghiệp sinh thái, phát triển hạ tầng và dịch vụ nghề cá, gắn với công nghiệp chế biến.

+ Công nghiệp: đẩy mạnh công nghiệp lọc, hóa dầu; công nghiệp khai thác khoáng sản biển và công nghiệp chế biến thủy, hải sản xuất khẩu,…

+ Dịch vụ: phát triển mạnh du lịch; dịch vụ cảng biển, hàng không; viễn thông quốc tế; tài chính - ngân hàng,…

Câu 4:

- Phân bố kinh tế theo lãnh thổ cũng đang có sự thay đổi:

+ Hình thành các khu kinh tế ven biển: Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hòa); kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với tuyến đường biển quốc tế.

+ Hình thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng động lực miền Trung tạo động lực phát triển kinh tế toàn vùng.

+ Tập trung quy hoạch các chuỗi trung tâm công nghiệp ven biển như Liên Chiểu - Đà Nẵng - Dung Quất, Nha Trang - Diên Khánh - Cam Ranh; gắn với cá bến cảng biển tổng hợp nước sâu như Quy Nhơn (cảng Bình Định), Vũng Rô (cảng Phú Yên), Vân Phong (cảng Khánh Hòa); hệ thống cảng hàng không như Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh.

+ Phân bố nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng mở rộng quy mô gắn với phát triển bền vững.

Câu 5:

Bảo vệ và phát triển rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ vì:

  • Đây là vùng có lãnh thổ hẹp ngang và thường xuyên chịu tác động của bão và áp thấp nhiệt đới.
  • Địa hình bị chia cắt mạnh, với các dãy núi gần biển và đồng bằng hẹp, sông ngắn và dốc, dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng khi có mưa lớn. Do đó, bảo vệ rừng giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng và dân cư tập trung ở vùng ven biển.
  • Vùng cực nam (Ninh Thuận, Bình Thuận) có lượng mưa thấp, nguy cơ sa mạc hóa cao, nên việc phát triển rừng giúp ngăn chặn quá trình này, bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái bền vững.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác