Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Lịch sử 9 CTST bài 14: Xây dựng và bảo vệ chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ tháng 9 - 1945 đến tháng 12 - 1946)

1. NHẬN BIẾT (6 CÂU)

Câu 1: Trình bày tình hình chính trị của Việt Nam sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Câu 2: Nêu các biện pháp để giải quyết khó khăn về kinh tế của chính quyền cách mạng.

Câu 3: Hãy nêu các biện pháp giải quyết “giặc dốt” và xây dựng nền văn hoá mới của dân tộc.

Câu 4: Trình bày những nét chính về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại của nhân dân Nam Bộ.

Câu 5: Trình bày ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Câu 6: Trình bày các biện pháp chủ yếu để xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng trong năm đầu sau Cách mạng tháng Tám của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.


Câu 1:

- Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chính quyền cách mạng còn non trẻ và lực lượng vũ trang còn yếu, nền độc lập dân tộc bị đe doạ nghiêm trọng.

- Đất nước ta phải đối mặt với sự chống đối từ các lực lượng phản cách mạng trong nước như Việt Quốc, Việt Cách, đồng thời phải đối phó với sự xâm lược của quân đội nước ngoài, trong đó có quân Tưởng ở miền Bắc và quân Pháp ở miền Nam. 

- Chính quyền cách mạng non trẻ của Việt Nam đứng trước thách thức bảo vệ nền độc lập trong bối cảnh thế giới chưa công nhận.

Câu 2:

♦ Giải quyết nạn đói:

- Chính phủ thực hiện những biện pháp trước mắt như: lập các hũ gạo cứu đói; kêu gọi “nhường cơm sẻ áo”, tổ chức “ngày đồng tâm”; nghiêm trị những kẻ đầu cơ tích trữ lúa gạo; đề ra biện pháp điều hoà thị trường lúa gạo giữa các địa phương.

- Để giải quyết tận gốc nạn đói và phục hồi nền nông nghiệp, Chính phủ vận động toàn dân tăng gia sản xuất.

♦ Giải quyết khó khăn về tài chính:

- Để khắc phục tình trạng ngân khố quốc gia trống rỗng, Chính phủ phát động xây dựng “Quỹ độc lập” và phong trào “Tuần lễ vàng”.

- Tháng 11-1946, tiền Việt Nam được phép lưu hành trong cả nước nhằm xây dựng nền tài chính độc lập.

- Các ngành công thương nghiệp, giao thông vận tải,... cũng dần được khôi phục.

Câu 3:

- Để xoá nạn mù chữ, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, kêu gọi toàn dân tham gia xoá nạn mù chữ. Phong trào Bình dân học vụ phát triển sôi nổi, rộng khắp.

- Các trường phổ thông và đại học được khai giảng. Nội dung và phương pháp giáo dục được đổi mới theo tinh thần dân tộc, dân chủ.

- Nhà nước vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hoá mới. Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh được tăng cường.

- Báo chí cách mạng được quan tâm, phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước.

Câu 4:

♦ Giai đoạn 2/9/1945 đến trước ngày 6/3/1946

- Bối cảnh:

+ Ngày 2-9-1945, quân Pháp đã có những hành động gây hấn ngay trong ngày nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn tổ chức mít tinh chào mừng ngày Độc lập.

+ Được sự giúp đỡ của quân Anh, đêm 22 và rạng sáng 23-9-1945, thực dân Pháp đánh úp trụ sở Uỷ ban hành chính Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

=> Trước tình hình đó, sáng 23-9-1945, cơ quan kháng chiến ở Nam Bộ đã thống nhất ra Lời kêu gọi đồng bào cầm vũ khí đánh đuổi quân xâm lược.

- Diễn biến chính:

+ Ngay từ đêm 23-9, nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn đã tích cực đấu tranh chống quân Pháp dưới nhiều hình thức.

+ Đến tháng 10-1945, thực dân Pháp với sự hỗ trợ của quân Anh và quân tiếp viện mới phá được vòng vây ở Sài Gòn, Chợ Lớn để đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ.

- Kết quả:

Cuộc chiến đấu ở Nam Bộ đã làm cho quân Pháp bị giam chân tại đây trong nhiều tháng

♦ Giai đoạn 6/3/1946 đến trước ngày 19/12/1946

- Đến đầu năm 1946, thực dân Pháp tìm cách kéo quân ra miền Bắc, mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược. Ngày 28-2-1946, Hiệp ước Hoa-Pháp được kí kết. Pháp đưa quân ra miền Bắc thay thế quân Trung Hoa Dân quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật.

- Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thực hiện sách lược “hoà để tiến”, nhân nhượng có nguyên tắc bằng việc đàm phán, kí kết Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9. Các văn bản trên thể hiện lập trường hoà bình, hữu nghị với Pháp và đầy quân Trung Hoa Dân quốc về nước.

Câu 5:

- Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, đã chính thức tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam, xóa bỏ ách đô hộ của thực dân Pháp, đồng thời khẳng định quyền tự do, bình đẳng của dân tộc Việt Nam. 

- Tuyên ngôn này không chỉ có ý nghĩa trong việc khẳng định nền độc lập dân tộc mà còn tạo tiền đề cho các quốc gia khác công nhận và ủng hộ sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Câu 6:

- Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chính quyền cách mạng còn non trẻ và lực lượng vũ trang còn yếu, nền độc lập dân tộc bị đe doạ nghiêm trọng.

- Trước tình hình đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng

- Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã diễn ra. Hơn 300 đại biểu đã được bầu vào Quốc hội.

- Trong phiên họp đầu tiên (3-1946), Quốc hội khoá I đã đưa ra các quyết định về chính đối nội, đối ngoại, thành lập Ban Dự thảo Hiến pháp và Chính phủ liên hiệp kháng chiến.

- Để tránh phải dối đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc, Chính phủ Việt Nam một mặt chủ trương tạm thời hoà hoàn, tránh xung đột với quân Trung Hoa Dân quốc, mặt khác kiên quyết làm thất bại âm mưu chia rẽ, phá hoại của chúng.

- Ngày 9-11-1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được Quốc hội thông qua.

- Sau cuộc Tổng tuyển cử, chính quyền địa phương các cấp được củng cố, kiện toàn,

- Khối đại đoàn kết dân tộc được phát triển thông qua việc củng cố Mặt trận Việt Minh và thành lập một số đoàn thể quần chúng, đảng phái dân chủ.

- Chính phủ kiện toàn Bộ Quốc phòng, thành lập Cục Quân y, Cục Quân nhu và các xưởng quân giới,... Lực lượng vũ trang nhân dân cũng được phát triển gồm: đội quân chủ lực và các đội vũ trang địa phương.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác