4. Tìm hiểu về yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận
a) Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
LỜI KÊU GỌI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN
Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!
Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946
Hồ Chí Minh
(1) Những từ ngữ nào trong văn bản thể hiện rõ thái độ và tình cảm của tác giả?
(2) Em có nhận xét gì về việc sử dụng các kiểu câu trong văn bản (kiểu câu nào được dùng nhiều, mục đích của tác giả khi sử dụng những kiểu câu đó)?
(3) Ngoài những từ, cụm từ, kiểu câu, theo em còn có yếu tố nào khác góp phần tạo nên tính chất biểu cảm của văn bản trên?
(4) Mặc dù xuất hiện nhiều yếu tố biểu cảm nhưng văn bản trên có phải là văn bản biểu cảm không? Vì sao?
(5) Từ việc trả lời những câu hỏi trên, em hãy nhận xét về tác dụng của việc sử dụng những yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận.
Bình luận