Slide bài giảng Địa lí 9 Cánh diều chủ đề 1: Đô thị - Lịch sử và hiện đại
Slide điện tử chủ đề 1: Đô thị - Lịch sử và hiện đại. Kiến thức bài học được hình ảnh hóa, sinh động hóa. Trình bày với các hiệu ứng hiện đại, hấp dẫn. Giúp học sinh hứng thú học bài. Học nhanh, nhớ lâu. Có tài liệu này, hiệu quả học tập của học môn Địa lí 9 Cánh diều sẽ khác biệt
Bạn chưa đủ điều kiện để xem được slide bài này. => Xem slide bài mẫu
Tóm lược nội dung
CHỦ ĐỀ 1. ĐÔ THỊ: LỊCH SỬ VÀ HIỆN TẠI
MỞ ĐẦU
Phát triển đô thị, đô thị hoá là xu thế tất yếu mà bất kì quốc gia nào cũng đều phải trải qua. Vậy đô thị có vai trò gì đối với sự phát triển vùng? Đô thị hóa trên thế giới diễn ra theo xu hướng nào trong xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp? Đô thị hoá ở Việt Nam có tác động gì đối với sự phát triển kinh tế – xã hội?
Trả lời rút gọn:
a. Vai trò của đô thị đối với sự phát triển vùng:
- Thúc đẩy phát triển kinh tế: Đô thị là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của vùng, là đầu mối phân phối hàng công nghiệp và cung cấp dịch vụ cho vùng và là thị trường tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu và lương thực thực phẩm cho vùng.
- Là trung tâm khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo, là nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các chuyên gia, nhà khoa học.
- Là trung tâm chính trị, là nơi đặt trụ sở các cơ quan Nhà nước.Đô thị cũng là nơi hội tụ đa dạng văn hoá, từ đó thúc đẩy hoạt động giao lưu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của vùng.
b. Quá trình đô thị hóa trên thế giới:
- Chia làm hai giai đoạn:
+ Xã hội công nghiệp
+ Xã hội hậu công nghiệp
- Hai giai đoạn đều có sự đo thị hóa mạnh mẽ ở cả thành thị và nông thôn tuy nhiên có nhiều điểm khác biệt nhau rõ rệt.
c. Tác động Đô thị hoá ở Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế – xã hội:
- Tích cực:
+ Là những cực thu hút vốn đầu tư lớn, bao gồm cả vốn trong nước và ngoài nước.
+ Hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, xử lí chất thải.... của các đô thị đã được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện và hiện đại.
+ Là nơi tập trung dân cư với mật độ cao, quy mô lớn. Đô thị hoá cũng góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Các ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển nhanh và ngày càng mở rộng nên có khả năng tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động.
- Hạn chế: quá trình đô thị hoá diễn ra tự phát kéo theo một số tác động tiêu cực như: sức ép đối với vấn đề việc làm, nhà ở, môi trường, quản lí trật tự an toàn xã hội....
- VAI TRÒ CỦA ĐÔ THỊ ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN VÙNG
Câu hỏi: Dựa vào thông tin, hãy trình bày vai trò của đô thị đối với sự phát triển vùng.
Trả lời rút gọn:
Vai trò của đô thị đối với sự phát triển vùng:
- Thúc đẩy phát triển kinh tế: Đô thị thường là trung tâm kinh tế, là nơi tập trung phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ (các ngành có năng suất lao động cao và giá trị gia tăng lớn) nên khu vực đô thị là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của vùng.
- Là trung tâm khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo, là nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các chuyên gia, nhà khoa học.
- Là trung tâm chính trị, là nơi đặt trụ sở các cơ quan Nhà nước, đô thị có vai trò to lớn trong việc điều hành và quản lí xã hội, quyết định các quyết sách của đất nước; từ đó chi phối và ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng.
- XU HƯỚNG ĐÔ THỊ HÓA TRÊN THẾ GIỚI
Câu hỏi: Dựa vào thông tin và hình 1, hãy mô tả quá trình đô thị hóa trên thế giới thời kì xã hội công nghiệp.
Trả lời rút gọn:
- Thế giới chuyển sang thời kì xã hội công nghiệp vào cuối thế kỉ XVIII gắn liền với sự ra đời của cách mạng công nghiệp (hay công cuộc công nghiệp hoá) ở nước Anh.
- Nước Anh bước vào công nghiệp hoá sớm nên đô thị hoá tiến trước rất xa so với các nước khác.
- Trong thế kỉ XIX, công nghiệp hoá tiếp tục lan sang các nước khác ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tỉ lệ dân thành thị của các nước này tăng lên nhưng còn thấp và tăng chậm.
- Các cơ sở công nghiệp phát triển, việc làm nhiều, dẫn đến sự tập trung nhanh chóng dân cư và hình thành nên hàng loạt các đô thị kiểu mới, đô thị công nghiệp ở châu Âu và Bắc Mỹ.
- Sang thế kỉ XX, quá trình đô thị hoá ở các nước phát triển nói chung, ở châu Âu và Bắc Mỹ nói riêng diễn ra nhanh do đẩy nhanh công nghiệp hoá. Tỉ lệ dân thành thị tăng nhanh và đạt mức cao như: Anh là 78,5%; Hoa Kỳ là 73.7%.
- Số lượng đô thị cũng tăng lên rõ rệt. Năm 1914, các nước phát triển có 59 đô thị có số dân trên 500 nghìn người, đến năm 1950 là 109 đô thị và năm 1980 tăng lên 194 đô thị. Năm 1950, các đô thị cực lớn (siêu đô thị có quy mô dân số từ 10 triệu người trở lên) bắt đầu xuất hiện đó là Niu Y-oóc - Niu-ớc (Hoa Kỳ) và Tô-ky-ô (Nhật Bản).
- Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quá trình đô thị hoá của các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh mới bắt đầu do công nghiệp hoá phát triển chậm hơn. Tuy đô thị hoá diễn ra muộn nhưng tỉ lệ dân thành thị, số lượng đô thị lớn và cực lớn tăng nhanh.
- Số dân thành thị ở các nước đang phát triển tăng nhanh do bùng nổ dân số và số người nhập cư vào các đô thị lớn. Số dân thành thị ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong tổng dân số (đạt 52,2% năm 2021). Đặc biệt, tỉ lệ dân thành thị của khu vực Mỹ La-tinh gần bằng các nước phát triển (81,4% năm 2021).
- Số lượng đô thị lớn và đô thị cực lớn (siêu đô thị) gia tăng nhanh chóng.
Câu hỏi: Dựa vào thông tin, hãy mô tả quá trình đô thị hoa trên thế giới thời kì xã hội hậu công nghiệp.
Trả lời rút gọn:
- Từ thập niên 90 của thế kỉ XX đến nay, trên thế giới mới chỉ có các nước phát triển bước vào thời kì xã hội hậu công nghiệp, gắn với sự xuất hiện của mạng toàn cầu, internet, thiết bị thông minh. Quá trình đô thị hoá thời kì này có những khác biệt so với thời kì công nghiệp.
- Tốc độ gia tăng số dân thành thị giảm dần, tỉ lệ dân thành thị duy trì ổn định ở mức cao. Hầu hết đô thị ở các nước phát triển đều dịch chuyển từ sản xuất công nghiệp sang dịch vụ. Tỉ trọng công nghiệp giảm, dịch vụ không ngừng phát triển, chất lượng cuộc sống được cải thiện, đô thị hoá đã đạt trình độ cao nên tốc độ gia tăng số dân thành thị có xu hướng chậm lại, tỉ lệ dân thành thị ổn định ở mức trên 70 – 80%.
- Ở một số nước phát triển xuất hiện các hiện tượng đô thị hoá mới như “tập trung hoá dân cư”, “phi tập trung hoá dân cư”. Tập trung hoá dân cư là hiện tượng tập trung dân cư vào các vùng đô thị lớn. Quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh kéo theo sự hình thành các vùng đô thị rộng lớn với nhiều thành phố nằm gần nhau nhằm tăng cường liên kết với nhau. Phi tập trung hoá dân cư là hiện tượng giảm dân số tại các đô thị, chủ yếu tại các đô thị lớn. Do mức sống và cơ sở hạ tầng không chênh lệch nhiều giữa đô thị và vùng ngoại ô, hệ thống giao thông thuận lợi, nên ở một số nước phát triển xuất hiện hiện tượng chuyển cư từ trung tâm thành phố ra vùng ngoại ô, từ các thành phố lớn về các thành phố nhỏ, thành phố vệ tinh.
- Một số đô thị phát triển theo xu hướng đô thị xanh hay đô thị sinh thái (lấy môi trường làm nền tảng phát triển), đô thị thông minh (dựa trên nền tảng công nghệ thông tin)....
- QUÁ TRÌNH ĐO THỊ HÓA VÀ TÁC ĐỘNG CỦA ĐÔ THỊ HÓA Ở VIỆT NAM
Câu hỏi: Dựa vào thông tin, hãy trình bày quá trình đô thị hoá ở Việt Nam.
Trả lời rút gọn:
- Các đô thị ở Việt Nam được hình thành sớm. Đô thị đầu tiên của nước ta là Cổ Loa, được xây dựng vào thế kỉ thứ III trước Công nguyên. Thời phong kiến, quá trình đô thị hoá diễn ra chậm, dân cư tập trung chủ yếu ở nông thôn. Thời Pháp thuộc, hệ thống đô thị được hình thành với chức năng hành chính, kinh tế, quân sự như: Hà Nội Hải Phòng, Huế - Đà Nẵng, Sài Gòn – Chợ Lớn.
- Giai đoạn 1975-2009, đô thị phát triển mạnh với nhiều loại hình như: đô thị công nghiệp, đô thị cảng, đô thị du lịch, đô thị hành chính, đô thị tổng hợp.
- Giai đoạn 2010 - 2021, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh. Số dân thành thị, tỉ lệ dân thành thị và số lượng đô thị tăng. Hệ thống đô thị phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tuy nhiên, tỉ lệ dân thành thị còn thấp so với các nước trong khu vực.
- Trên cả nước đã hình thành hai vùng đô thị lớn là vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Một số đô thị đã xây dựng và phê duyệt đề án, định hướng phát triển đô thị thông minh như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng,...
Câu hỏi: Dựa vào thông tin, hãy nêu tác động của đô thị hoá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Trả lời rút gọn:
- Tích cực:
+ Với ưu thế về hạ tầng kĩ thuật và nguồn lao động có chất lượng, các đô thị thường là những cực thu hút vốn đầu tư lớn, bao gồm cả vốn trong nước và ngoài nước.
+ Hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, xử lí chất thải.... của các đô thị đã được đâu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện và hiện đại.
+ Đô thị hoá còn tạo ra thị trường tiêu thụ rộng lớn bởi đô thị là nơi tập trung dân cư với mật độ cao, quy mô lớn. Đô thị hoá cũng góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Các ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển nhanh và ngày càng mở rộng nên có khả năng tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động.
- Hạn chế: quá trình đô thị hoá diễn ra tự phát kéo theo một số tác động tiêu cực như: sức ép đối với vấn đề việc làm, nhà ở, môi trường, quản lí trật tự an toàn xã hội....
LUYỆN TẬP VÀ VẬN DỤNG
Câu 1: So sánh sự khác biệt của quá trình đô thị hoá thời kì xã hội công nghiệp và thời ki xã hội hậu công nghiệp.
Trả lời rút gọn:
1. Tốc độ:
- Xã hội công nghiệp:
+ Diễn ra chậm hơn, tập trung vào các khu vực công nghiệp.
+ Quá trình đô thị hóa không đồng đều, tập trung vào các nước phát triển.
- Xã hội hậu công nghiệp:
+ Diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ hơn, lan rộng ra toàn cầu.
+ Quá trình đô thị hóa đồng đều hơn, xuất hiện ở cả nước phát triển và đang phát triển.
2. Đặc điểm:
- Xã hội công nghiệp:
+ Hình thành các khu ổ chuột do di cư ồ ạt, thiếu nhà ở.
+ Ô nhiễm môi trường do phát triển công nghiệp.
+ Mâu thuẫn xã hội giữa người lao động và chủ nhà máy.
- Xã hội hậu công nghiệp:
+ Phát triển đô thị theo hướng bền vững, chú trọng môi trường và chất lượng cuộc sống.
+ Ứng dụng công nghệ vào quản lý và phát triển đô thị.
+ Nâng cao chất lượng dịch vụ và tiện ích cho người dân.
3. Hậu quả:
- Xã hội công nghiệp:
+ Thay đổi cơ cấu xã hội: Tỷ lệ dân số đô thị tăng cao.
+ Mất cân bằng giữa khu vực thành thị và nông thôn.
+ Vấn đề xã hội: Tội phạm, thất nghiệp, quá tải hạ tầng.
- Xã hội hậu công nghiệp:
+ Tăng cường kết nối giữa khu vực thành thị và nông thôn.
+ Phát triển đô thị thông minh và bền vững.
+ Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường
Câu 2: Hãy tìm hiều và giới thiệu về một đô thị ở Việt Nam mà em ấn tượng nhất.
Trả lời rút gọn:
Đà Nẵng là một thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở miền Trung Việt Nam. Nơi đây được mệnh danh là "thành phố đáng sống" bởi sự phát triển năng động, hiện đại, đồng thời vẫn giữ gìn được những giá trị văn hóa truyền thống.
- Vẻ đẹp thiên nhiên: Đà Nẵng sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà Hills, Cầu Vàng,... Mỗi địa điểm đều mang một vẻ đẹp riêng, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.
- Sự phát triển kinh tế: Đà Nẵng là một trong những thành phố có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất Việt Nam. Nơi đây tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
- Chất lượng cuộc sống: Đà Nẵng được đánh giá là thành phố có chất lượng cuộc sống cao nhất Việt Nam. Hệ thống giao thông, y tế, giáo dục,... được đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân.
- Con người thân thiện: Người dân Đà Nẵng nổi tiếng với sự thân thiện, mến khách. Du khách đến đây luôn cảm nhận được sự ấm áp và nồng hậu của người dân địa phương.