Viết báo cáo ngắn gọn về đặc điểm và các biểu hiện của nền kinh tế tri thức

II. NỘI DUNG THỰC HÀNH

Viết báo cáo ngắn gọn về đặc điểm và các biểu hiện của nền kinh tế tri thức

Gợi ý:

- Giới thiệu khái quát về nền kinh tế tri thức

- Các đặc điểm của nền kinh tế tri thức

- Các biểu hiện của nền kinh tế tri thức.


BÁO CÁO VỀ NỀN KINH TẾ TRI THỨC

1. Khái quát chung về nền kinh tế tri thức.

Kinh tế tri thức là nền kinh tế dựa trực tiếp vào việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức, thông tin. Trong nền kinh tế tri thức, việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế, xã hội; tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống. Kinh tế tri thức là nền kinh tế được phát triển chủ yếu dựa vào tri thức và công nghệ hiện đại. Cơ sở của nền kinh tế tri thức là tri thức (thể hiện trong con người và trong công nghệ)...

Sự ra đời và phát triển của nền kinh tri thức là kết quả tất yếu của quá trình phát triển lực lượng sản xuất xã hội. Nó được thúc đẩy bởi sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ tiên tiến hiện đại, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển nhanh, mang tính đột phá của công nghệ thông tin. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các sáng kiến, phát minh khoa học,... đã tạo ra tính linh hoạt, hiệu quả cao cho hoạt động sản xuất.

Kinh tế tri thức là giai đoạn phát triển cao của lực lượng sản xuất, cao hơn so với kinh tế công nghiệp và kinh tế nông nghiệp. Trong nền kinh tế tri thức, tri thức đóng vai trò quyết định hàng đầu đối với phát triển kinh tế - xã hội.

2. Các đặc điểm của nền kinh tế tri thức.

Có thể khái quát đặc điểm của kinh tế tri thức ở những mặt sau:

Thứ nhất, tri thức là lực lượng sản xuất trực tiếp. Tri thức là nguồn lực vô hình to lớn, quan trọng nhất trong đầu tư phát triển, nền kinh tế dựa chủ yếu vào tri thức. Nền kinh tế tri thức lấy tri thức là nguồn lực có vị trí quyết định nhất của sản xuất, là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển.

Thứ hai, nền kinh tế dựa ngày càng nhiều vào các thành tựu của khoa học - công nghệ. Nếu trong nền kinh tế công nghiệp, sức cạnh tranh chủ yếu dựa vào tối ưu hóa và hoàn thiện công nghệ hiện có, thì trong nền kinh tế tri thức lại dựa chủ yếu vào việc nghiên cứu, sáng tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới. Trong nền kinh tế tri thức, cơ cấu sản xuất dựa ngày càng nhiều vào việc ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ chất lượng cao. Các quyết sách kinh tế được tri thức hóa.

Thứ ba, cơ cấu lao động được chuyển dịch theo hướng ngày càng coi trọng lao động trí tuệ. Trong nền kinh tế tri thức, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm số lao động trực tiếp làm ra sản phẩm, tăng số lao động trí tuệ. Lao động trí tuệ chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Nguồn nhân lực nhanh chóng được tri thức hóa, sự sáng tạo, đổi mới, học tập trở thành nhu cầu thường xuyên đối với mọi người. Học suốt đời, xã hội học tập là nền tảng của kinh tế tri thức.

Thứ tư, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng. Quyền sở hữu trí tuệ là sự bảo đảm pháp lý cho tri thức và sự đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục được tạo ra, duy trì và phát triển. Trong nền kinh tế tri thức, nguồn lực trí tuệ và năng lực đổi mới là hai nhân tố then chốt để đánh giá khả năng cạnh tranh, tiềm năng phát triển và sự thịnh vượng của một quốc gia. Các tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được xem là một nguyên tắc cơ bản trong sự vận động và phát triển của nền kinh tế tri thức.

Thứ năm, nền kinh tế tri thức là nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế tri thức chỉ được hình thành và phát triển khi lực lượng sản xuất xã hội đã phát triển ở trình độ cao, phân công lao động mang tính quốc tế và theo đó là hệ thống sản xuất mang tính kết nối giữa các doanh nghiệp các quốc gia trong một chuỗi giá trị sản phẩm. Bởi vậy, nó mang tính toàn cầu hóa. Trong nền kimh tế tri thức, sự sản sinh, truyền bá và sử dụng tri thức không còn nằm trong phạm vi biên giới một quốc gia. Nền kinh tế tri thức còn được gọi là nền kinh tế toàn cầu hóa nối mạng, hay là nền kinh tế toàn cầu dựa vào tri thức.

Ngoài các đặc điểm trên, nền kinh tế tri thức còn là một nền kinh tế hướng đến sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường; nền kinh tế làm thay đổi cơ cấu xã hội và thang giá trị xã hội, làm xuất hiện các cộng đồng dân cư kiểu mới, các làng khoa học, các công viên khoa học, vườn ươm khoa học...

Để phát triển kinh tế tri thức cần những tiền đề sau:

Một là, thể chế kinh tế và môi trường xã hội thuận lợi cho sáng tạo và sử dụng tri thức. Thể chế kinh tế và môi trường xã hội thuận lợi, minh bạch cho phép dòng chảy tự do của tri thức, đổi mới sáng tạo công nghệ, hỗ trợ công nghệ - thông tin và truyền thông, khuyến khích các chủ doanh nghiệp sáng tạo và sử dụng tri thức là trọng tâm của kinh tế tri thức.

Hai là, hệ thống giáo dục - đào tạo có chất lượng. Hệ thống giáo dục - đào tạo là điều kiện quan trọng để người dân có cơ hội được học tập, nghiên cứu nâng cao năng lực sáng tạo, chia sẻ và sử dụng tri thức. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực nhanh chóng được tri thức hóa; sự sáng tạo, đổi mới, học tập trở thành yêu cầu thường xuyên đối với mọi người và phát triển toàn diện con người trở thành nhiệm vụ trung tâm của xã hội.

Ba là, hạ tầng cơ sở thông tin (ICT) hiện đại. Hạ tầng cơ sở thông tin là điều kiện cần thiết để tăng cường sự trao đổi phổ biến và xử lý kiến thức. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực và thiết lập được các mạng thông tin đa phương tiện. Thông tin trở thành tài nguyên quan trọng của nền kinh tế tri thức.

Kết cấu hạ tầng quan trọng nhất của nền kinh tế tri thức là thông tin, việc tổ chức sản xuất trở nên linh hoạt đặc biệt. Với mạng thông tin, tri thức truyền bá, phổ cập rộng rãi, mạng thông tin trở thành hệ thống cung cấp nguyên liệu không biên giới cho hệ thống sản xuất và phân công lao động toàn cầu. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở nên sôi động, nhanh nhạy, gắn bó mật thiết với thị trường, tổ chức quản lý có hiệu lực và hiệu quả hơn, thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của không những chủ thể các tổ chức sản xuất, kinh doanh mà còn bao hàm các chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Bốn là, hệ thống sáng tạo có hiệu quả. Mạng lưới các học viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, tổ chức chuyên gia, cố vấn, doanh nghiệp, các nhóm cộng đồng là cần thiết để thu nhận được kho tri thức toàn cầu luôn không ngừng tăng, truyền bá và thích ứng chúng cho các nhu cầu của đất nước và sáng tạo ra các tri thức mới cần thiết.

Năm là, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Với đặc trưng của nền kinh tế tri thức, kết cấu hạ tầng cứng là quan trọng và cần thiết. Với tư cách là thành tố vật chất của lực lượng sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội luôn giữ vai trò đặc biệt. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xác lập sự đồng bộ trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm tạo ra tiền đề cho sự hình thành các trụ cột của nền kinh tế tri thức, tạo ra môi trường cho sự phát triển của hệ thống sáng tạo từ đó mà thúc đẩy sự lan tỏa và sản sinh tri thức mới thay vì chỉ là ứng dụng tri thức.

3. Các biểu hiện của nền kinh tế tri thức.

  • Nền kinh tế của Việt Nam có chuyển biến từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế tri thức, sử dụng năng lực sáng tạo.

  • Việt Nam lựa chọn phát triển nền kinh tế tri thức ngay trong quá trình công nghiệp hóa đất nước.

  • Nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang dựa vào sử dụng lao động trực tiếp trên lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ cũng tăng đáng kể. Đặc biệt là lao động biết vận dụng tri thức, sự sáng tạo để hoàn thành công việc nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao.

  • Kinh tế tri thức tại Việt Nam so với toàn cầu chưa đáng kể vì cơ cấu kinh tế – lao động của nước ta còn khá lạc hậu, thủ công.

  • Tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp, kinh tế của Việt Nam còn chiếm GDP thấp hơn nhiều so với nông nghiệp.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác