Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng cao Ngữ văn 11 cánh diều bài 4: Tạ Quang Bửu - người thầy thông thái

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Dựa vào văn bản và thực tế, hãy viết một đoạn văn phân tích tầm quan trọng của người có tài đối với đất nước.

Câu 2: Viết bài văn phân tích cách triển khai của văn bản.


Câu 1: 

          Qua văn bản “Tạ Quang Bửu – Người thầy thông thái”, ta có thể thấy, với tài năng xuất chúng của mình, giáo sư Tạ Quang Bửu đã có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước. Thử tưởng tưởng, nếu không có giáo sư thì điều gì sẽ xảy ra? Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chúng ta sẽ yếu kém hơn về các công việc liên quan đến khoa học, kĩ thuật; chúng ta sẽ không có những cuốn sách hữu ích về khoa học tự nhiên, một lĩnh vực quan trọng trong phát triển đất nước; các trường, các ban ngành nhà nước sẽ mất đi một người giỏi có thể làm được những việc hiếm ai có thể làm được,… Những điều vừa nói cho ta thấy được tầm ảnh hưởng to lớn của người tài đối với đất nước. Những gì mà người tài làm được hơn rất nhiều người thường, họ có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn hay đưa đất nước phát triển nhanh chóng. Điều đó không chỉ đúng ở thời ở giáo sư Tạ Quang Bửu mà còn ở các thời kỳ trước đó và sau này. Trong bài cáo bình Ngô, đoạn nói về những khó khăn của nghĩa quân Lam Sơn buổi đầu dấy binh, tác giả Nguyễn Trãi đã viết “Tuấn kiệt như sao buổi sớm / Nhân tài như lá mùa thu / Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ dần / Nơi duy ác hiếm người bàn bạc / Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về đông / Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chăm còn dành phía tả”. Nghĩa quân sau đó chiêu nạp được nhiều nhân tài mới có thể đánh bại được quân thù. Đoạn thơ cũng cho thấy nếu chỉ có ít người tài thì cũng khó lòng được điều gì, thế nên phải có nhiều người cùng chung sức. Sau này chúng ta biết đến câu nổi tiếng của Thân Nhân Trung “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” hay vua Quang Trung khi lên ngôi phải ra chiếu cầu hiền để tìm người tài giỏi ra giúp đất nước. Những điều đó cho ta thấy ngay từ thời xưa, người tài đã quan trọng như thế nào đối với hưng phế của một triều đại. Nhìn về thời nay, khi thế giới ngày càng có nhiều vấn đề hơn, thì người tài lại càng quan trọng hơn nữa.

Câu 2: 

          Văn bản “Tạ Quang Bửu – Người thầy thông thái” trình bày các thông tin về giáo sư Tạ Quang Bửu. Là một văn bản thông tin với tính chất sử dụng các câu chuyện để thực hiện mục đích của bài viết, văn bản cho ta thấy được nhiều điểm hay đáng lưu ý về cách triển khai. Chúng ta sẽ đi qua từng phần để phân tích, nhận xét.

          Văn bản không sử dụng sapo, đề mục để xác lập bố cục rõ ràng cho văn bản mà sử dụng kết cấu mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài là đoạn đầu tiên của văn bản. Tác giả mở theo kiểu vừa lên vừa xuống: đưa ra nhận định Tạ Quang Bửu là một Lê Quý Đôn thời nay nhưng rồi hạ xuống “cần có thêm thời gian để bình tĩnh kiểm chứng”. Cách đặt vấn đề vừa tạo được ấn tượng cho người đọc vừa vẫn thể hiện sự không đề cao thái quá.

          Phần thân bài là tâp hợp các câu chuyện, các ý kiến, đánh giá của nhiều cá nhân tài giỏi khác về giáo sư Tạ Quang Bửu. Phần này một phần cũng được triển khai theo trình tự thời gian.

          Đoạn tiếp theo sau phần mở bài “Thời ở Pháp … Vương quốc Anh”, tác giả đã nói ngay vào những thứ đặc biệt mà giáo sư Tạ Quang Bửu có thể làm được thời ở Pháp. Điều này gây ấn tượng cho người đọc về khả năng ngay ở thời trẻ của giáo sư Tạ Quang Bửu, tạo ra một suy nghĩ cho độc giả rằng ông ấy sẽ còn được nhiều điều phi thường trong tương lai, từ đó khiến người đọc tiếp tục với văn bản. Các đoạn tiếp theo “Tạ Quang Bửu cũng … gần gũi ông Bửu” tiếp tục mở rộng về vấn đề bằng cách nói về sự am hiểu nghệ thuật kiến trúc, âm nhạc, khả năng nói tiếng Anh và cách học độc đáo của giáo sư Tạ Quang Bửu. Ở đây, tác giả cũng bắt đầu đưa vào những nhận xét, đánh giá của những người giỏi khác như Giáo sư Đặng Thái Hoàng,…

          Tiếp theo, tác giả nói về giáo sư Tạ Quang Bửu khi ông trở về nước. Ở đoạn “Trở về nước … trung đại”, tác giả đã làm nổi bật được cách học của một người thực sự là tài năng thông qua chuyện giáo sư Tạ Quang Bửu dùi mài kinh sử, học chữ Hán để hiểu về văn hoá Việt Nam và phương Đông trước khi thực sự đóng góp cho đất nước. Đoạn văn này giúp người đọc cảm thấy khâm phục cái tư duy hơn người của giáo sư Tạ Quang Bửu. Hai đoạn tiếp theo “Giáo sư Tạ Quang Bửu … lúc bấy giờ” trình bày về giải thưởng và những cuốn sách có giá trị cao của giáo sư Tạ Quang Bửu. Lời của Giáo sư Nguyễn Xiển ở đoạn “Tại Hội nghị … các nước khác” tạo nên sự tin cậy cho văn bản, qua đó cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của giáo sư Tạ Quang Bửu trong lĩnh vực khoa học. Câu chuyện thú ví của Giáo sư Lê Văn Thiêm vừa tiếp tục cho thấy sự tài giỏi của giáo sư Tạ Quang Bửu vừa khiến người đọc cảm thấy phấn khích. Theo dòng câu chuyện và nhận xét, ở đoạn “Theo Giáo sư … thông minh ghê gớm”, tác giả đã trích dẫn đánh giá của Noam Chomsky, một nhà bác học lớn của thế giới. Có thể thấy việc đưa ra hàng loạt những nhận xét của những người trong nước rồi mới đến một nhân vật tầm cỡ quốc tế là hợp lí, nó khiến cho người đọc tăng dần về cảm xúc.

          Phần tiếp theo “Giáo sư Bửu … lời thơ Xuân Diệu” nói về khả năng ngoại ngữ của giáo sư Tạ Quang Bửu. Như chúng ta đã biết hiện nay, ngoại ngữ là một thứ rất cần thiết trong cuộc sống và công việc của mỗi người. Mặc dù hiện nay có nhiều công cụ, nhiều hướng tiếp cận đến việc dạy và học ngoại ngữ nhưng có nhiều người vẫn không thể giỏi ngoại ngữ. Vậy nên, ở đây, ta có thể thấy rằng tác giả đã đề cập đến một chủ đề làm cho người đọc thực sự cảm thấy khâm phục với năng lực của giáo sư Tạ Quang Bửu. Các câu chuyện mà tác giả đưa ra cho thấy được những đóng góp to lớn của Giáo sư với nước nhà. Tác giả đã khôn khéo khi để câu chuyện về tiếng Anh, thứ ngôn ngữ quốc tế hiện nay, ở phía sau đi với các công việc hệ trọng của nước ta.

          Ở đoạn kế tiếp “Ngày 6-3-1948 … suy nghĩ rất nhiều”, tác giả đã có những sự đánh giá, nhận xét theo suy nghĩ của riêng mình về giáo sư Tạ Quang Bửu. Đoạn văn có tác dụng bổ trợ cho các phần trên đồng thời có tác dụng như một sự cảm nhận thay cho bạn đọc. Đoạn sau đó, tác giả nói về cái chết của giáo sư Tạ Quang Bửu nhưng vẫn cho người đọc thấy được sự nhiệt huyết với đất nước thông qua bản thảo chưa in “Chiến lược con người”.

          Đoạn “Giáo sư, Tiến sĩ … Đại học Bách khoa” có tính chất như kết bài. Bài thơ Viếng Ánh vừa có tác dụng tổng kết cuộc đời của giáo sư Tạ Quang Bửu vừa khơi gợi cảm xúc ở người đọc.

          Qua văn bản, ta có thể thấy, với việc đưa ra rất nhiều dẫn chứng, nhận xét đánh giá từ các giáo sư, chuyên gia cùng với những câu chuyện thú vị, tác giả đã tạo nên một văn bản truyền tải cho người đọc nhiều thông tin bổ ích về con người và cuộc đời giáo sư Tạ Quang Bửu, đồng thời qua đó truyền cảm hứng cho bạn đọc noi gương Giáo sư.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác