Viết bài văn phân tích văn bản “Trao duyên” của Nguyễn Du.
PHẦN CÂU HỎI MỞ RỘNG
Câu hỏi: Viết bài văn phân tích văn bản “Trao duyên” của Nguyễn Du.
Bằng sự xót thương, đồng cảm cùng tấm lòng nhân đạo sâu sắc, đại thi hào Nguyễn Du đã xây dựng thành công nhân vật Thúy Kiều - hình tượng đại diện cho vẻ đẹp, số phận đau khổ, bi đát của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Trích đoạn “Trao duyên” từ câu 723 đến câu 756 của tác phẩm đã thể hiện rõ điều này. Đây là những câu thơ có vị trí “bản lề”, đánh dấu sự mở đầu, bước ngoặt định mệnh của 15 năm lưu lạc trong cuộc đời của Thúy Kiều.
Trước hết, Thúy Kiều đã thuyết phục Thúy Vân bằng những hành động, lời nói, cử chỉ sâu sắc, tinh tế cùng lí do trao duyên hợp tình, hợp lí. Là người con gái thông minh, nhạy bén, khi trao duyên cho em, Thúy Kiều đã có những lời lẽ, hành động đặc biệt khác thường:
“Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.”
Tác giả đã sử dụng hàng loạt từ ngữ miêu tả hành động để tái hiện không gian của sự kiện “trao duyên”: “cậy” thể hiện sự nhờ vả, tin cậy, “chịu lời” mang sắc thái bị nài ép mà chấp nhận, “mặc” mang ý nghĩa phó thác, phó mặc. Qua hệ thống ngôn từ tinh tế, khéo léo, sắc sảo đó, chúng ta có thể thấy được Kiều là một người hết sức khôn khéo. Hành động của nàng cũng thể hiện sự trang trọng: em - “ngồi lên”, chị - “lạy”, “thưa”. Những từ ngữ trên đã tái hiện thành công không khí trang trọng của sự kiện “trao duyên”, đồng thời Kiều cũng thấu hiểu rằng nàng là người chịu ơn, mang ơn đối với Thúy Vân. Để thuyết phục em, Kiều đã gợi lại tình yêu tươi đẹp của mình:
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Tác giả đã điểm xuyết những kỉ niệm của mối tình Kim - Kiều khắc cốt ghi tâm qua những hình ảnh ước lệ: “quạt ước”, “chén thề”. Nhưng đứng trước bi kịch tình yêu tan vỡ “đứt gánh tương tư”, nàng đã thuyết phục em bằng những lí lẽ: “Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?”. Vì bán mình chuộc cha, nàng đã phần nào làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, nhưng lại đánh mất mối tình cùng Kim Trọng. Không chỉ dùng câu chuyện tình yêu để lay động em gái, nàng vin vào tuổi xuân của em và tình chị em máu mủ để trao lại mối tình còn dang dở: “Ngày xuân em hãy còn dài/ Xót tình máu mủ, thay lời nước non”. Như vậy, qua những câu thơ đầu tiên, chúng ta có thể thấy được Kiều đã đưa ra những lí lẽ thuyết phục, thấu tình đạt lí, thể hiện nàng là người con gái tinh tế, sắc sảo.
Sau khi lay động Thúy Vân bằng cả lí trí và trái tim, Thúy Kiều trao kỉ vật cho em: Chiếc Hoa, Bức Tờ Mây, Phím Đàn, Mảnh Hương Nguyền. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh tượng trưng, ước lệ về kỉ niệm tình yêu sâu nặng, thề ước thiêng liêng giữa Kim Trọng và Thúy Kiều. Chúng ta có thể cảm nhận được, những kỉ vật ấy đã trở thành sinh mệnh của tình yêu, sinh mệnh của sự sống trong trái tim Thúy Kiều: “Duyên này thì giữ, vật này của chung”. “Của tin” là tín vật minh chứng cho tình yêu giữa Kim và Kiều, “của chung” là của Kim Trọng - Thúy Vân - Thúy Kiều. Nói về điều này, Hoài Thanh đã viết “Của chung là của ai. Bao nhiêu đau đớn trong hai tiếng đơn sơ thế!”, “Đó là của chung, của chàng, của chị, hay còn là của em… Đó là của tin để lại cho nhau. Hồn chị gửi cả trong ấy”. Với tâm trạng đầy tiếc nuối, xót xa, cách Thúy Kiều trao kỉ vật cho em đầy sự nâng niu, trân trọng. Nàng chợt nhận ra trao đi kỉ vật là vĩnh biệt tình yêu. Biết bao nhiêu đau đớn, biết bao nhiêu xót xa thể hiện qua hai từ “của tin”, “của chung”. Kiều như muốn níu giữ lại hương vị tình yêu trong niềm tiếc nuối vô hạn. Cấu trúc câu thơ thể hiện sự mâu thuẫn giằng xé giữa lí trí và tình cảm: vừa níu giữ, vừa dứt khoát gửi trao mối tình dang dở: gửi trao những kỉ vật thiêng liêng và trao tình duyên cho em. Biết bao tiếc nuối, xót xa được thể hiện qua tâm trạng của Thúy Kiều: kỉ vật gợi kí ức, kí ức gợi kỉ niệm, trao đi kỉ vật nhưng vẫn không quên được mối tình sâu sắc đó.
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt khuất lời,
Rưới xin giọt nước cho người thác oan.
Sau khi trao đi kỉ vật tình yêu và hồi tưởng lại những kí ức tươi đẹp trong quá khứ, Kiều đau đớn, xót xa quay trở về thực tại. Lời thơ chuyển từ đối thoại sang độc thoại nội tâm. Tác giả Nguyễn Du đã sử dụng một loạt từ ngữ, hình ảnh, điển tích với tần suất dày đặc: “đốt hương”, “ngọn cỏ”, “lá cây”, “hiu hiu gió”, “hồn nặng lời thề”, “nát thân bồ liễu”, “dạ đài”, “cách mặt khuất lời”, “người thác oan” để thể hiện sự tự ý thức của Thúy Kiều về bi kịch tình yêu dang dở, tan vỡ và bi kịch thân phận trái ngang, lênh đênh trôi nổi. Kiều nói với Vân như nói với chính mình. Hàng loạt từ ngữ gợi tả về cái chết được sử dụng để thể hiện dường như với nàng lúc này, viễn cảnh tương lai thật mịt mờ, xa xăm. “Mai sau dù có bao giờ” - câu thơ như một tiếng than, lại như một câu hỏi xoáy vào tâm can, vừa thể hiện sắc thái lo lắng, vừa hi vọng, nhưng hi vọng vừa lóe lên chợt hóa thành ảo vọng: “Đốt lò hương ấy, so tơ phím này”.
Những kỉ vật tình yêu hạnh phúc trong quá khứ trở thành nỗi đau khắc sâu vào tâm trạng thực tại của mình. Kiều nhận ra tương lai thật mịt mù, mơ hồ, nàng tưởng tượng ra cái chết trong tương lai, linh hồn cũng không siêu thoát được vì vẫn mang nặng lời thề với Kim Trọng: “Rưới xin giọt nước cho người thác oan”. Kiều nghĩ đến viễn cảnh tang thương khi mất đi tình yêu, bởi với nàng, mất đi sự tự do là mất đi lí tưởng, mất đi tình yêu chính là mất đi tri kỉ. Say đắm trong tình yêu, Kiều đã cột chặt sinh mệnh của mình cùng mối tình tươi đẹp đó. Trong khoảnh khắc ấy, chúng ta có thể cảm nhận được tận sâu nỗi đau trong trái tim của nàng. Tuy nhận ra bi kịch, tuyệt vọng và đau đớn, nhưng Kiều vẫn khao khát được trọn vẹn trong tình yêu ấy.
Càng đi sâu vào dòng độc thoại nội tâm, nàng Kiều càng chìm sâu vào bi kịch, nàng không còn tỉnh táo nữa mà tâm sự với Kim Trọng trong nỗi tuyệt vọng:
“Bây giờ trâm gãy bình tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
Phân sao phận bạc như vôi?
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Nàng quay trở về thực tại và ý thức sâu sắc về bi kịch số phận qua hàng loạt thành ngữ: “trâm gãy gương tan” chỉ sự chia lìa, tan vỡ, “phận bạc như vôi” nhấn mạnh sự bạc bẽo, bất hạnh, “nước chảy hoa trôi” thể hiện số phận long đong, chìm nổi. Trong trích đoạn “Trao duyên”, chúng ta có thể thấy được diễn biến tâm lí phức tạp của nhân vật. Thúy Kiều không chỉ đối thoại với Thúy Vân khi trao duyên, đối thoại với chính mình khi hồi tưởng về quá khứ, ngẫm về số phận mà còn đối thoại với chàng Kim trong sự thức tỉnh về bi kịch hiện tại: “Trăm nghìn gửi lạy tình quân”. Đó không phải là cái lạy của kẻ bề dưới đối với bề trên, càng không phải là cái vái lạy của kẻ chịu ơn, mà là cái lạy tạ lỗi nhưng cũng là lời vĩnh biệt tức tưởi nghẹn ngào, thể hiện Thúy Kiều hướng về Kim Trọng trong sự xót xa, cầu khẩn. Nàng tưởng tượng chàng Kim đang ở trước mắt và bất giác chìm sâu vào tuyệt vọng:
“Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”
Hai câu cuối vỡ òa thảng thốt, Kiều đã không kìm nén được lòng mình mà thốt lên lời than vãn bi ai. Các từ cảm thán “ôi”, “hỡi’ đã nhấn mạnh nàng gọi tên Kim Trọng hai lần trong sự chua xót, bẽ bàng. Đặc biệt, từ “phụ” đã nhấn mạnh nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều. Dù là người mệnh bạc, bán mình chuộc cha để làm tròn chữ hiếu nhưng Kiều tự nhận mình là kẻ “phụ bạc”. Nhịp thơ 3/3 và 2/2/2 như tiếng nấc nghẹn ngào thể hiện sự đau đớn. Đoạn thơ đã làm nổi bật hơn nữa vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cùng tình yêu sâu nặng của Thúy Kiều.
Như vậy, qua đoạn trích “Trao duyên”, chúng ta có thể thấy được tình yêu sâu nặng cùng bi kịch của Thúy Kiều. Đối với nàng, tình và hiếu luôn thống nhất chặt chẽ. Tất cả đã được thể hiện thông qua nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc, tinh tế của đại thi hào Nguyễn Du.
Giải những bài tập khác
Giải bài tập những môn khác
Giải sgk lớp 11 KNTT
Giải sgk lớp 11 CTST
Giải sgk lớp 11 cánh diều
Giải SBT lớp 11 kết nối tri thức
Giải SBT lớp 11 chân trời sáng tạo
Giải SBT lớp 11 cánh diều
Giải chuyên đề học tập lớp 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề toán 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề ngữ văn 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề vật lí 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề hóa học 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề sinh học 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề kinh tế pháp luật 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề lịch sử 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề địa lí 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề mĩ thuật 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề âm nhạc 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề công nghệ chăn nuôi 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề công nghệ cơ khí 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề tin học 11 định hướng Khoa học máy tính kết nối tri thức
Giải chuyên đề tin học 11 định hướng Tin học ứng dụng kết nối tri thức
Giải chuyên đề quốc phòng an ninh 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp 11 kết nối tri thức
Giải chuyên đề học tập lớp 11 chân trời sáng tạo
Giải chuyên đề học tập lớp 11 cánh diều
Trắc nghiệm 11 Kết nối tri thức
Trắc nghiệm 11 Chân trời sáng tạo
Trắc nghiệm 11 Cánh diều
Bộ đề thi, đề kiểm tra lớp 11 kết nối tri thức
Đề thi Toán 11 Kết nối tri thức
Đề thi ngữ văn 11 Kết nối tri thức
Đề thi vật lí 11 Kết nối tri thức
Đề thi sinh học 11 Kết nối tri thức
Đề thi hóa học 11 Kết nối tri thức
Đề thi lịch sử 11 Kết nối tri thức
Đề thi địa lí 11 Kết nối tri thức
Đề thi kinh tế pháp luật 11 Kết nối tri thức
Đề thi công nghệ cơ khí 11 Kết nối tri thức
Đề thi công nghệ chăn nuôi 11 Kết nối tri thức
Đề thi tin học ứng dụng 11 Kết nối tri thức
Đề thi khoa học máy tính 11 Kết nối tri thức
Bộ đề thi, đề kiểm tra lớp 11 chân trời sáng tạo
Bộ đề thi, đề kiểm tra lớp 11 cánh diều
Đề thi Toán 11 Cánh diều
Đề thi ngữ văn 11 Cánh diều
Đề thi vật lí 11 Cánh diều
Đề thi sinh học 11 Cánh diều
Đề thi hóa học 11 Cánh diều
Đề thi lịch sử 11 Cánh diều
Đề thi địa lí 11 Cánh diều
Đề thi kinh tế pháp luật 11 Cánh diều
Đề thi công nghệ cơ khí 11 Cánh diều
Đề thi công nghệ chăn nuôi 11 Cánh diều
Đề thi tin học ứng dụng 11 Cánh diều
Đề thi khoa học máy tính 11 Cánh diều
Bình luận