Tóm tắt kiến thức ngữ văn 11 cánh diều bài 8: Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết (tiếp theo)

Tổng hợp kiến thức trọng tâm ngữ văn 11 cánh diều bài 8: Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết (tiếp theo). Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo

I. LÝ THUYẾT

1. Ngôn ngữ nói

  • Phương tiện được sử dụng là âm thanh (phương tiện ngôn ngữ), kết hợp cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, ánh mắt,... (phương tiện phi ngôn ngữ). Do sử dụng các phương tiện này, lời nói khó phổ biến rộng và lưu giữ lâu dài, nếu không được ghi âm, ghi hình.
  • Có người nói và người nghe; người nói và người nghe có thể đổi vai cho nhau. Để thể hiện thái độ lịch sự, người đối thoại cần đợi đến lượt lời của mình. Khi đối thoại, do cả người nói và người nghe đều phải phản ứng nhanh nên người nói cần chú ý cân nhắc sử dụng từ ngữ, cách nói sao cho thuyết phục, lịch sự; người nghe cần tập trung chú ý để hiểu đúng và đầy đủ ý kiến của người nói.
  • Ngôn ngữ nói thường sử dụng những từ giản dị, dễ hiểu và những từ biểu cảm như trợ từ, thán từ. Nhờ có sự hỗ trợ của bối cảnh giao tiếp, người nói có thể sử dụng các câu rút gọn, câu đặc biệt. Người nói có thể sử dụng những yếu tố chêm xen dư thừa để người nghe dễ theo dõi.

2. Ngôn ngữ viết

  • Phương tiện được sử dụng là chữ viết (phương tiện ngôn ngữ), kết hợp hình ảnh, kí hiệu, sơ đồ,... (phương tiện phi ngôn ngữ). Nhờ những phương tiện này mà các văn bản viết được phổ biến rộng và lưu giữ rất lâu dài.
  • Giao tiếp bằng ngôn ngữ viết (viết thư, viết báo, viết sách,...) là hình thức giao tiếp mà người viết và người đọc không thể ngay lập tức đổi vai cho nhau. Nhưng người viết vẫn phải hình dung là viết cho người đọc nhất định và có thể nhận được phản hồi của người đọc.
  • Ngôn ngữ viết thường là ngôn ngữ được trau chuốt, hoàn chỉnh. Vì đối tượng giao tiếp (người đọc) không có mặt nên người viết cần lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt sao cho người đọc hiểu đúng và hiểu đầy đủ điều mình muốn nói. Ngôn ngữ viết ít sử dụng các câu rút gọn, câu đặc biệt, các yếu tố chêm xen dư thừa.

II. HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP SGK

1. BÀI TẬP 1

Ngôn ngữ trong đoạn trích là những lời nói dùng trong giao tiếp hằng ngày, người nói và người nghe được tiếp xúc trực tiếp với nhau, luân phiên nhau trong vai trò nghe và nói

2. BÀI TẬP 2

a) Ngôn ngữ viết ở câu này được trau chuốt rất kĩ lưỡng, đây là một bài phê bình văn học viết về sự đấu tranh giữa Thơ mới và thơ cũ, cụ thể là sự thắng thế của Thơ mới bằng một lối viết nghị luận độc đáo, sắc sảo. Ngôn ngữ viết được sử dụng tạo thành những lập luận khoa học, rõ ràng, chặt chẽ cùng những dẫn chứng về sự thắng lợi của Thơ mới. Ngôn ngữ viết tuy có mang màu sắc chính luận nhưng cũng mang sắc thái văn chương được biểu hiện ở cách dùng hình ảnh: “một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên,... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Nhìn chung, đoạn văn trên có thể coi là một mẫu mực, một thành tựu của Hoài Thanh trong thể van nghị luận văn chương thuộc lĩnh vực phê bình văn học.

b) Đoạn văn trên đã nhận xét về ngôn ngữ trong “Truyện Kiều”, ngôn ngữ viết cũng được chọn lọc tinh tế, vừa mang tính khoa học, vừa mang sắc thái biểu cảm thể hiện qua hình ảnh so sánh “như con ong hút nhuỵ của muôn loài hoa để làm mật”. Bên cạnh đó, người viết cũng trích dẫn thêm những nhận định của nhiều nhà phê bình văn học khác để củng cố hơn cho lập luận của mình tăng sức thuyết phục cho bài viết.

3. BÀI TẬP 3

  • Đoạn văn thuộc phần mở đầu của tác phẩm “Chí Phèo” cùng với tiếng chửi của Chí, ngôn ngữ viết hay ngôn ngữ trần thuật của tác giả đầu lạnh lùng, xót xa. Tiếng chửi của Chí Phèo có sự tăng tiến về mặt cấp độ, càng về sau càng gay gắt, phẫn nộ, đau đớn đến cực điểm. 
  • Những câu chửi như: “Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không?” là ngôn ngữ nói ở dạng viết, lời nói của nhân vật được thể hiện bằng chữ viết, các từ như “tức thật”, “chết đi được mất”, “mẹ kiếp”, “a ha”…cùng các dấu câu nhằm thể hiện ngữ điệu của ngôn ngữ nói, thể hiện yếu tố chửi bới tục tĩu ở một nhân vật lưu manh.

4. BÀI TẬP 4

Cảnh 1: Chí Phèo say rượu, vừa đi vừa chửi. Rồi đến nhà bá Kiến ăn vạ.

Chí Phèo: Mả cha chúng mày! Chúng mày nghĩ chúng mày là ai mà khinh bỏ cái thằng này. Chúng mày nghĩ chúng mày là ai mà nói tao không cha không mẹ. Mẹ kiếp chúng mày! Không biết cái đứa chết mẹ nào đẻ ra tao! Thà mày đừng đẻ tao ra để tao khỏi khổ như này. Con mẹ nó! Mả cha chúng mày…

Dân làng 1 (bên lề đường): Ê mày, thằng Chí Phèo đang chửi ai ấy?

Dân làng 2: Ai biết? Chắc trừ tao với mày ra.

Dân làng 1: Ờ. Kệ nó…

 

Nội dung quan tâm khác

Từ khóa tìm kiếm: Tóm tắt kiến thức văn 11 CD bài 8 Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết (tiếp theo), kiến thức trọng tâm ngữ văn 11 cánh diều bài 8: Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết (tiếp theo), Ôn tập văn 11 cánh diều bài Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết (tiếp theo)

Bình luận

Giải bài tập những môn khác