Bài văn mẫu: phân tích hình tượng người lái đò sông Đà

Bài văn mẫu: Phân tích hình tượng người lái đò trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân -  lớp 12


Nhà văn Tô Hoài từng nhận xét: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác.” Nhiều tác giả đã dành trọn cả đời văn của mình để xây dựng một hình tượng nhân vật cho tác phẩm, bởi nhân vật không chỉ là nơi bộc lộ tư tưởng, chủ đề mà còn là nơi tập trung các giá trị nghệ thuật của tác  phẩm. Và nhân vật người lái đò trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân là một hình tượng đắt giá như thế; thông qua việc đặt nhân vật này vào một cuộc giao tranh dữ dội với sông Đà, Nguyễn Tuân đã thể hiện hết sự tài hoa, uyên bác của mình để khám phá và ca ngợi vẻ đẹp của con người, của Tổ quốc.

Người lái đò sông Đà hiện lên trong tác phẩm trước tiên là về vẻ đẹp ngoại hình. Ngoại hình là dáng vẻ bên ngoài của nhân vật được nhà văn miêu tả trực tiếp trong tác phẩm, nhằm biểu hiện một phần tính cách, tâm hồn và số phận của nhân vật. Ông lái đò hiện lên trong những trang văn của Nguyễn Tuân đầy ấn tượng với những nét về ngoại hình đúng là một con người của sông nước: hình ảnh một con người đã gần bảy mươi tuổi, cái đầu bạc nhưng còn “quắc thước” lắm “đặt trên một thân hình cao to, gọn quánh như chất sừng, chất mun”, “ông giơ đôi tay còn trẻ tráng quá” làm cho nhiều người lầm tưởng là “mình đang đứng trước một chàng trai”… Bằng hệ thống ngôn ngữ miêu tả đầy cá tính, giàu chất tạo hình, bằng lối so sánh độc đáo gợi cảm, trước hết Nguyễn Tuân đã làm sống dậy trước mắt người đọc hình ảnh một ông lái đò có ngoại hình đặc biệt ấn tượng “Tay ông lêu nghêu như cái sào. Chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh như kẹp lấy một cuống lái tưởng tượng. Giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông. Nhãn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong mù”. Ngoài ra, “Trên bả vai người lái đò bầm lên một khoanh củ nâu. Cái đồng tiền tụ máu ấy là cái hình ảnh quý giá của một thứ huân chương lao động siêu hạng tặng cho người lái đò sông Đà”. Chỉ vài nét phác họa tài hoa mà nhà văn như chạm khắc hình tượng ông lái đò như là một anh hùng trên sông nước, dự báo về nhân vật cả cuộc đời gắn với nghề lái đò và mức độ tay nghề đã đạt đến mức nghệ sĩ.

Nhà văn khi xây dựng nhân vật nhằm mục đích thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm cũng như thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình. Bên cạnh việc tạo dựng hình tượng nhân vật thông qua ngoại hình, nhà văn còn miêu tả hình tượng nhân vật thông qua hành động, việc làm cụ thể hay thế giới nội tâm tinh thần phong phú để làm cho các hình tượng trong tác phẩm thêm màu sắc và sinh động hơn. Ở đây, hình tượng người lái đò sông Đà đã được nhà văn Nguyễn Tuân gợi tả qua vẻ đẹp tâm hồn tính cách thể hiện trong quá trình lao động sông nước. Con người này như được sinh ra từ sóng, thác hung dữ của sông Đà và là “một linh hồn muôn thuở của sông nước này”… “ông làm nghề chèo đò đã mười lăm năm liền, trên dòng sông Đà, ông xuôi ông ngược hơn một trăm lần rồi, chính tay ông đã giữ lái độ sáu chục lần…”. Cảnh sông nước lên thác xuống ghềnh nhiều hiểm nguy đã tôi luyện cho ông lái đò nhiều giác quan và phẩm chất đặc biệt. Ông đã trở thành một con người lão luyện, lắm từng trải, hiểu biết thành thạo cái nghề sông nước độc đáo của mình: “Trí nhớ ông được rèn luyện cao độ bằng cách lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đánh vào luồng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở”. Nguyễn Tuân đã dành cho ông lái đò những câu văn, hình ảnh đầy thán phục: “Sông Đà, đối với ông lái đò ấy, như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những cái chấm than, chấm câu và những đoạn xuống dòng.” Con người được Nguyễn Tuân giới thiệu như là một người được mọc lên từ “con sông Đà hung dữ độc ác khét tiếng với bảy mươi hai con thác hiểm nghèo” ấy đã có một khả năng kì diệu là chế ngự con sông hung dữ thành một môi trường sống thân thuộc, êm dịu của mình. Ông lái đò tâm sự: “Chạy thuyền trên khúc sông không có thác nó dễ dại tay, dại chân và buồn ngủ như người Mèo kêu mỏi chân khi dẫm lên đồng bằng thiếu dốc, thiếu đèo.” Nhưng dường như chỉ thấu hiểu dòng sông thôi vẫn chưa đủ để chinh phục được con sông Đà, người lái lái đò còn mực tài trí, dũng cảm trong những chuyến vượt thác đầy hiểm nguy. Ông đã thể hiện được sự thông minh, linh hoạt của một vị tướng tài ba sông nước.

Ở đây, Nguyễn Tuân đã để cho người lái đò xuất hiện trên một hoàn cảnh đầy thử thách khốc liệt nhằm làm bộc lộ những phẩm chất cao đẹp của nhân vật. Nguyễn Tuân khẳng định: “Ông muốn ghi ở đoạn này cái hình ảnh chiến đấu gian lao của người lái đò trên chiến trường sông Đà, trên một quãng thuỷ chiến ở mặt trận sông Đà”. Nguyễn Tuân đã mô tả một cách chân thật, sinh động, vừa trân trọng, vừa yêu thương,  vừa  cảm phục nhân vật ông lái đò rất hiên ngang, trí dũng trong cuộc chiến đấu với những con sóng, con thác đầy hung dữ, nguy hiểm. Thoạt nhìn, đó là một cuộc đấu không cân sức. Bởi đó là trận đấu mà ở bên này là một thiên nhiên lớn lao, dữ dội và hiểm độc, với sức mạnh được nâng lên hàng thần thánh, có sóng nước hò reo quyết vật ngửa mình thuyền, có thạch trận với đủ ba lớp trùng vi vây bủa, được trấn giữ bởi những hòn đá ngỗ ngược, hỗn hào và nham hiển; còn bên kia là con người bé nhỏ, không hề có phép màu, vũ khí trên tay chỉ là chiếc cán chèo - những chiếc que thật mỏng manh trước nguy nga sóng thác - trên một con đò đơn độc hết chỗ lùi. Cuộc vượt thác, dưới ngòi bút Nguyễn Tuân diễn ra như một trận đánh dữ dội có nhiều hồi, nhiều đợt, mỗi đợt lại có những thử thách ác liệt khác nhau, dòng sông bày ra những thạch trận hiểm hóc khác nhau: “Sóng nước thúc gối vào bụng và hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên. Nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông lái đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la, não bạt. Sóng nước đã đánh đến món đòn hiểm độc nhất”. Có lúc tưởng như ông lái đò sẽ gục ngã. Nhưng ông lái đò vẫn bình tĩnh chủ động chiến đấu một cách dũng cảm đầy mưu trí như một vị chỉ huy tài trí tuyệt vời, điều khiển con thuyền lần lượt vượt qua các thác ghềnh như “phá cái trận  đồ bát quái của dòng sông hung bạo”; “Dòng nước hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông Đà. Nhưng người lái đò vẫn cưỡi lên thác đến cùng như cưỡi hổ”. Dù cho bị thương “mặt méo lệch đi”, dù cho sóng “đánh đòn âm, đòn tỉa vào chỗ hiểm”, ông lái đò vẫn kiên cường hai chân “vẫn kẹp chặt lấy cuống lái”. Ông lái đò “không chút nghỉ tay, nghỉ mắt phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật”, “ông đò nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, ông đã thuộc hết quy luật phục kích của lũ đá” nên ông chủ động tự tin nhanh nhẹn làm chủ tình thế “cưỡi lên thác sông Đà như cưỡi hổ, nắm chặt bờm sóng, ghì cương lái, phóng nhanh, chặt đôi thác để mở đường tiến”. Qua hình tượng này, Nguyễn Tuân muốn phát biểu một quan niệm: người anh hùng không phải chỉ có trong chiến đấu mà còn xuất hiện trong cả cuộc sống lao động bình thường.

Nếu ở cuộc giao tranh thứ nhất và thứ hai Nguyễn Tuân cực tả vẻ đẹp tài trí, dũng cảm của ông lái đò thì ở chặng cuối, Nguyễn Tuân muốn cho độc giả cảm nhận được vẻ đẹp khiêm nhường, bình dị, phong thái ung dung mang cốt cách nghệ sĩ và tay lái ra hoa của ông lái đò. Thác dữ đã không chặn bắt được con thuyền. Cuối  cùng, vẫn là con người chiến thắng sức mạnh thần thánh của tự nhiên, vẫn là con người cưỡi lên thác ghềnh, xé toang hết lớp này đến lớp kia của trùng vi thạch trận, để những thằng đá tướng phải lộ sự tiu nghỉu, thất vọng, qua bộ mặt xanh  lè. Người lái đò đã đè sấn được sóng gió, nắm chặt cái bờm sóng mà thuần phục sự hung hãn của dòng sông. Nhưng sự thuần phục đó lại mang sắc thái của một người nghệ sĩ có nghệ thuật lái đò kì diệu. Nghệ thuật ấy được biểu hiện rõ nhất ở khả năng nắm chắc tất cả các quy luật tất yếu của dòng sông Đà, nắm chắc được binh pháp của thần sông, thần đá, thuộc lòng các luồng sinh, luồng tử mà chủ động trong mọi tình huống.và nhờ thế mà người lái đò trở thành người tự do, người chiến thắng. Lúc thì “Ông cưỡi lên con thác nắm lấy bờm sóng mà phóng nhanh qua cửa tử”; lúc lại “ghì cương đè sấn lên mà chặt đôi con thác”; “xuống thác, người lái đò sông Đà linh hoạt và luôn luôn cơ động mà phối hợp đôi mắt, đôi tay, đôi chân” lái con thuyền. Nguyễn Tuân miêu tả “bên phải, bên trái đều là luồng chết” khiến ông lái đò phải vận dụng tài năng nghề nghiệp của mình, nâng thuyền của mình lên mặt nước như nghệ sĩ “xuyên qua mặt nước”…Đặc biệt, Nguyễn Tuân đã ví công việc lái đò bằng hình ảnh “tay lái ra hoa”, từ đó giúp chúng ta hình dung nên vẻ đẹp của người lao động chiến đấu trước sự dữ tợn của thiên nhiên. Nét tài hoa của người nghệ sĩ còn được khắc họa sau những phút giây chiến đấu sống còn với thác nước sông Đà, người lái đò lại ung dung “Đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá dầm xanh, anh vũ…chẳng ai bàn tán thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi”. Dù cho ngày ngày phải đối mặt  với sóng nước dữ tợn, những người lái đò vẫn ung dung, bình thản, không một chút huênh hoang về những gì đã diễn ra trong cuộc vượt thác. Tất cả những điều đó đã làm nên cốt cách của một người nghệ sĩ trong hình ảnh người lái đò.

Nguyễn Tuân từng muốn mỗi ngày đều có cái say của rượu tân hôn, dường như mỹ cảm của nhà văn là vô tận. Đối với Nguyễn Tuân, đời là những “trang hoa” luôn mở dưới ánh sáng nghệ thuật mới. Trên những trang hoa ấy, Nguyễn Tuân đã cho độc giả thưởng thức cách sử dụng ngôn từ đầy mới lạ, lối tạo hình giàu màu sắc, cùng những hình ảnh ví von so sánh tài hoa, độc đáo. Hơn hết, trên những trang hoa  ấy, hình tượng người lái đò với những vẻ đẹp mưu trí dũng cảm nhưng cũng nghệ sĩ vô cùng trong cuộc vượt thác đầy hiểm nguy đã hiện ra, đọng lại cho chúng ta hình ảnh con người đẹp hơn tất cả và quý giá hơn tất cả.


Bình luận